Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hôm qua (17/6) đã có cuộc thảo luận về khả năng ngừng bắn ở Ukraine sau khi hai phóng viên của Nga thiệt mạng trong một cuộc giao tranh tại miền Đông.

putin%20poroshenko_wurf.jpg Ông Putin và ông Poroshenko tại một sự kiện (ảnh: CBC)
Trong một thông báo sau cuộc điện đàm, Phủ Tổng thống Nga cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hôm qua đã đề cập khả năng ngừng bắn trong khu vực Ukraine đang tiến hành hoạt động trấn áp người biểu tình đòi ly khai ở miền Đông Nam. Đây là cuộc thảo luận lần thứ 2 giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine kể từ khi ông Poroshenko đắc cử Tổng thống Ukraine.

Trước đó, hôm 6/6 nhân một sự kiện tại Pháp, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc gặp ngắn và cũng thảo luận về việc thiết lập một lệnh ngừng bắn tại miền Đông Ukraine. Kể từ khi đắc cử Tổng thống Ukraine, ông Poroshenko đã triển khai nhiều nỗ lực nhằm làm dịu căng thẳng trong nước, đặc biệt là tuyên bố sẵn sàng đối thoại với người biểu tình ở miền Đông nếu họ đồng ý hạ vũ khí. Tuy nhiên, những nỗ lực này đều không mang lại kết quả tích cực, bởi nhiều người dân Ukraine vẫn tỏ ý nghi ngờ thiện chí của tân Tổng thống.

Tại cuộc điện đàm ngày hôm qua, Tổng thống Nga Putin đã bày tỏ lo ngại về việc hai phóng viên của Nga thiệt mạng khi đang tác nghiệp tại Ukraine và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh cho các phóng viên tại Ukraine.

Về phần mình, Tổng thống Ukraine Poroshenko đã đảm bảo rằng, nước này sẽ tiến hành điều tra vụ việc, đồng thời cam kết sử dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ các nhà báo đang đưa tin về cuộc xung đột. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cùng ngày cũng ra tuyên bố yêu cầu điều tra về các vụ bạo lực nhằm vào phóng viên tại nước này. Theo các số liệu thông kê, đã có 5 phóng viên thiệt mạng trong các cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine.

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin nói: “Các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình tất cả các nhà báo thiệt mạng trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng về tất cả những vụ việc này. Chúng tôi ủng hộ tự do ngôn luận, một quyền cơ bản của con người, trong đó có cả những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông. Các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng một lần nữa vinh danh các nhà báo trên khắp thế giới vì những đóng góp quan trọng của họ.”

Có thể thấy, căng thẳng tại Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu, bất chấp những tuyên bố thể hiện thiện chí giải quyết khủng hoảng của Tổng thống Poroshenko. Người dân Ukraine vẫn chưa thể đặt hoàn toàn niềm tin vào tân Tổng thống khi mà song song với các tuyên bố sẵn sàng đối thoại, ông này vẫn thúc đẩy các chiến dịch trấn áp người biểu tình ở miền Đông. Trong bối cảnh này, Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế (Human Right Watch) đã kêu gọi chính quyền Ukraine tuân thủ luật pháp quốc tế khi thực hiện các chiến dịch quân sự.

Cơ quan này cho rằng Liên Hợp Quốc, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, Liên minh châu Âu và Mỹ cần hối thúc Ukraine tuân thủ các nguyên tắc này. Chính phủ Nga cùng ngày đã phổ biến dự thảo nghị quyết mới về Ukraine trước khi trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó tập trung vào cuộc khủng hoảng nhân đạo tại miền Đông Nam nước láng giềng này. Văn kiện yêu cầu chấm dứt bạo lực, thiết lập ngừng bắn để đối thoại, thiết lập tạm thời hành lang nhân đạo. Dự thảo nghị quyết cũng ủng hộ nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng trên cơ sở thỏa thuận Geneva ngày 17/6 và lộ trình của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu./.