Sau lệnh rút quân khỏi Syria mới đây của Tổng thống Vladimir Putin, Nga vẫn duy trì một lực lượng đáng kể tại Syria trong cuộc chiến chống lực lượng khủng bố tại quốc gia Arab này.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nhấn mạnh: "Tuần trước, chúng tôi đã hoàn tất việc rút quân khỏi Syria. Cũng tuần trước Tổng tư lệnh tối cao Putin đã thông qua cấu trúc và nhân sự của các căn cứ Tartus và Hmeymim. Chúng tôi đã bắt đầu định hình việc hiện diện quân sự lâu dài tại đây".
Trước đó vài ngày, Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) đã phê chuẩn một thỏa thuận giữa Nga và Syria cho phép quân đội Nga nâng cấp cơ sở tiếp nhiên liệu Hải quân Tartus ở Syria thành một siêu quân cảng. Theo đó, cảng này có khả năng tiếp nhận 11 tàu chiến cỡ lớn, bao gồm các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Cũng theo thỏa thuận được Duma Quốc gia Nga thông qua, tàu chiến Nga sẽ được phép tiến vào cảng Tartus sau khi cơ quan chức năng Syria được thông báo và không quá 12 giờ xử lý.
Ngoài ra, Nga còn được phép đưa mọi loại "vũ khí, đạn dược, thiết bị và vật liệu" hỗ trợ an ninh cho cơ sở hải quân, thủy thủ đoàn và gia đình họ sinh sống trên lãnh thổ Syria.
Như vậy, quyết định của Duma Quốc gia Nga cũng đồng nghĩa với việc Hải quân Nga được phép tiếp cận các vùng biển, cảng biển khác nhau của Syria trong tương lai.
Hồi đầu năm nay, Nga và Syria đã ký thỏa thuận có hiệu lực thi hành trong 49 năm, cho phép quân đội Nga hiện diện ở cảng Tartus và nâng cấp cơ sở quân sự này. Sau 49 năm, thỏa thuận sẽ được tự động kéo dài thêm 25 năm trừ khi một bên thông báo có bất cứ thay đổi nào với bên kia trước một năm.
Sự ra đời của lực lượng thường trực tại căn cứ hải quân Tartus và căn cứ không quân Hmeymim ở Syria diễn ra sau khi Tổng thống Nga Putin ra lệnh rút quân khỏi nước này vào ngày 11/12.
Tổng thống Nga Putin tuyên bố, Nga nhận thấy không nhất thiết phải hiện diện quân sự ở mức độ cao tại Syria, nhưng sẽ tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố tại quốc gia Arab này. Ngoài ra, Tổng thống Putin cũng bác bỏ thông tin đã triển khai tất cả các thành phần của lực lượng vũ trang Nga tại Syria.
Có thể thấy, việc Nga rút quân khỏi Syria sẽ không ảnh hưởng đến vị thế của Nga khỏi đất nước Trung Đông này. Nga vẫn duy trì một lực lượng thường trực tại căn cứ không quân Hmeymim, đặc biệt là quân cảng chiến lược Tartus. Điều này có thể coi là một đòn chiến lược vào kế hoạch của Mỹ và phương Tây tại Syria.
Trong bối cảnh cuộc chiến chống khủng bố dần đi đến hồi kết và khi lực lượng khủng bố mà Mỹ luôn coi là ''đối lập ôn hòa'' tại Syria cũng đang rơi vào tình thế hiểm nghèo thì khả năng lật ngược ván cờ của Mỹ và phương Tây tại Syria đã không còn./.
“Cách Nga hành xử ở Syria là hình mẫu giải quyết khủng hoảng”