Quan hệ giữa Nga và phương Tây đang ngày trở nên căng thẳng trước thềm cuộc trưng cầu ý dân của Cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine vào ngày 16/3 này. Cuộc trưng cầu này sẽ quyết định việc khu tự trị này có sáp nhập vào Nga hay không – điều mà phương Tây đang kịch liệt phản đối và đang gia tăng sức ép với Nga về vấn đề này.
Bất ổn ở Ukraine cần một giải pháp chính trị (Ảnh: AP) |
Trước tình hình hiện nay, phía Nga cũng đang nỗ lực làm giảm căng thẳng trong quan hệ với phương Tây, nhất là tránh hoặc ít nhất là hạn chế tác động của một cuộc chiến tranh kinh tế Đông-Tây có thể xảy ra nếu tình hình leo thang. Trong buổi làm việc với các ủy viên thường trực Hội đồng An ninh Liên bang Nga diễn ra ngày 13/3 tại thành phố Sochi, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, cuộc khủng hoảng tại Ukraine có tính chất nội bộ và bùng phát không phải do lỗi của Nga.
Nhấn mạnh Ukraine là nước láng giềng của Nga, Tổng thống Putin nói rằng, Nga không thể không quan ngại về những diễn biến phức tạp tại nước này và "bằng cách này hay cách khác" đã bị các sự kiện tác động. Nhà lãnh đạo Nga đề nghị Hội đồng An ninh Liên bang Nga cân nhắc về các bước đi tiếp theo để xây dựng mối quan hệ với các đối tác, bạn bè tại Ukraine, cũng như tại châu Âu và ở Mỹ.
Cùng ngày, phát biểu tại phiên họp đặc biệt của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc về tình hình Ukraine, trong đó có sự tham dự của Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseny Yatseniuk, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin cũng khẳng định: “Nga không phải là nước gây ra làn sóng bạo lực vừa qua tại Ukraine vốn dẫn đến sự phát triển tình hình tại nước này. Một số đại biểu phát biểu trước tôi đã tô vẽ thêm tình hình Ukraine. Họ cáo buộc rằng nếu Nga không có những ý đồ xấu, thì mọi người Ukraine có thể sống hạnh phúc lâu dài”.
Trước tuyên bố tạm đình chỉ các cuộc đàm phán với Nga về gia nhập Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Nga khẳng định vẫn tiếp tục triển khai các công tác trong nước liên quan tới tiến trình này. Nguồn tin Chính phủ Nga cho biết Nga chưa bao giờ đặt ra các thời hạn cho việc gia nhập OECD do ý thức được rằng quyết định cuối cùng sẽ tùy thuộc vào quan điểm của các thành viên tổ chức này.
Trước đó, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã tuyên bố đình chỉ tiến trình đàm phán gia nhập tổ chức này của Nga, đồng thời tuyên bố đẩy mạnh hợp tác với Ukraine, nhằm gia tăng sức ép với Nga trong xử lý cuộc khủng hoảng tại quốc gia Đông Âu này.
Những tuyên bố trên của lãnh đạo Nga được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và phương Tây không ngừng gia tăng sức ép với Nga trong xử lý vấn đề Crimea - nơi đặt căn cứ của Hạm đội Biển Đen của Nga và là khu vực có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Nga cũng đã ủng hộ Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) triển khai một phái bộ giám sát tới Crimea trong thời gian diễn ra cuộc trưng cầu ý dân và điều này nhận được hoan nghênh của các nhà lãnh đạo OSCE.
Trong nỗ lực thúc đẩy đối thoại với Mỹ về tình hình Ukraine, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) Valentina Matvienko tuyên bố Nga đang và sẽ tiếp tục đàm phán với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) về một giải pháp hòa bình cho tình hình tại Ukraine, trong đó có cuộc gặp tại Anh trong ngày 14/3 giữa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Chủ tịch Thượng viện Nga nhấn mạnh các vấn đề tại Ukraine không thể được giải quyết mà không có sự tham gia của Nga, ngoài lý do hai nước có chung đường biên giới dài 2.000 km thì còn có những cam kết quốc tế mà Nga có trách nhiệm thực hiện theo những thỏa thuận sau khi Liên Xô tan rã./.