Ngày 14/3, điện Kremlin đã phản ứng trước việc Lầu Năm Góc quyết định thử tên lửa hành trình phóng từ mặt đất bị cấm trong Hiệp ước INF với cáo buộc Washington đang tìm cách hủy bỏ Hiệp ước này. Trong khi đó, các quan chức Mỹ khẳng định rằng họ quyết định rút khỏi Hiệp ước INF là bởi Nga liên tục vi phạm các điều khoản của Hiệp ước. Hiện cả Moscow và Washington đều đổ lỗi cho nhau về việc đã phá bỏ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung này.

ngaphanungkhimydinhthuvukhibicamtronghiepuocinf_wihf.jpg
Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Tass

"Chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất kỳ cáo buộc nào cho rằng chúng tôi không tuân thủ Hiệp ước. Thực tế thì chúng tôi đã thực hiện tất cả các điều khoản, trái lại, qua những bằng chứng và những cuộc tranh luận thì Mỹ mới chính là nguyên nhân gây ra sự sụp đổ của Hiệp ước này", người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nhận định với báo giới ngày 14/3.

"Chính Mỹ chứ không phải Nga đã vi phạm các điều khoản trong Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF)", ông Dmitry Peskov nói thêm.

Một số chuyên gia quốc tế đã chỉ ra rằng Nga sở hữu các tên lửa vi phạm Hiệp ước, nhưng các nhà phân tích này cũng có những quan điểm trái chiều về việc liệu Mỹ có vi phạm Hiệp ước hay không khi quốc gia này bán các hệ thống tên lửa tương tự cho các nước như Ba Lan và Romania.

"Báo chí phương Tây thường cho rằng việc Nga khẳng định hệ thống phòng lửa tên thủ của Mỹ có khả năng tấn công là một sự "hiểu lầm" nhưng các thông tin hiện có cho thấy hệ thống phòng thủ Aegis của Mỹ tại Đông Âu, nếu được trang bị các tên lửa hành trình thì thực sự sẽ vi phạm các quy định của Hiệp ước INF", chuyên gia an ninh quốc gia Theodore Postol nhận định trong một bài phân tích hồi tháng 2/2019.

"Chủ ý bên trong của chính quyền Tổng thống Obama khi quyết định đặt hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis ở Ba Lan và Romania không được thông báo tới báo chí. Các cố vấn của Bộ Quốc phòng không đưa ra lời khuyên cụ thể nào với Tổng thống và các nhân viên chính sách của ông về khả năng của hệ thống Aegis. Vì vậy, tôi không thể nói chắc chắn liệu chính quyền ông Obama có biết hay không, về chương trình của Aegis và hệ thống vũ khí này ở Đông Âu với khả năng tấn công thực sự đã khiến Mỹ vi phạm các cam kết trong Hiệp ước', ông Postol phân tích thêm.

Hiệp ước INF được ký kết năm 1987 giữa Mỹ và Liên Xô cấm tất cả các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo được phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 - 5.500 km. Nhiều đồng minh châu Âu của Washington đang lo ngại về tương lai của châu Âu nếu cả Nga và Mỹ đều cùng lúc chĩa tên lửa vào nhau.

Các quan chức Mỹ không cho biết cụ thể khi nào Washington sẽ triển khai các tên lửa bị cấm trong Hiệp ước nhưng thông báo của Lầu Năm Góc ngày 13/2 đã làm dấy lên những lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang đang cận kề hơn bao giờ hết. Theo Lầu Năm Góc, các cuộc thử tên lửa hành trình phóng từ mặt đất sẽ bắt đầu vào tháng 8/2019./.