Trong thần thoại Hy Lạp, Pandora có một chiếc hộp mà nàng được dặn kỹ rằng không bao giờ được mở nó ra. Nhưng do không lường hết được hậu quả và không kìm được sự tò mò, Pandora đã mở chiếc hộp ra và những thứ trong đó đã khiến tất cả những điều bất hạnh tràn ngập khắp thế gian. Việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) về một khía cạnh nào đó, cũng sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng với nhân loại nếu nó thành hiện thực.

hiepuocinfsupdotrumpvaputindangmochiechoppandora_ucyp.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

“Nút thắt” khó gỡ của Nga và Mỹ

Một "nút thắt" khó gỡ trong tình huống nan giải hiện nay là cả Nga và Mỹ đều cáo buộc nhau coi thường các mục đích của Hiệp ước INF ở châu Âu như đã thỏa thuận và nghi ngờ nhau triển khai các loại vũ khí có khả năng hạt nhân, bề ngoài thì với mục đích phòng thủ nhưng sâu xa lại có khả năng tấn công.

Công bằng mà nói mỗi bên đều có lý do để nghi ngại mục đích thực sự của đối phương. Trừ khi Nga và Mỹ gạt bỏ những mối nghi ngờ, những đe dọa và cáo buộc lẫn nhau, còn không thì cả hai đều đứng trước tình thế đầy thách thức nếu Hiệp ước INF bị phá vỡ.

Một điều cần phải hiểu là các tên lửa hành trình có trang bị hạt nhân hiện đại đáng sợ hơn nhiều so với những loại vũ khí bị cấm trong Hiệp ước INF được ký kết năm 1987. Những tiến bộ trong kỹ thuật máy tính và công nghệ chỉ dẫn có thể sản xuất ra các loại tên lửa có khả năng thay đổi lộ trình và mục tiêu trong quá trình bay, cũng như chuyển hướng tấn công theo thời gian đã được lập trình.

Với những khả năng như vậy, các tên lửa hành trình có thể được phóng từ nhiều địa điểm khác nhau và làm phát nổ nhiều mục tiêu cùng lúc. Do đó, những cảnh báo vẫn được đưa ra nhưng mỗi bên hiểu theo cách nào lại là chuyện khác. Điều này cũng giống như việc tìm những chiếc bóng trong khu rừng tối vậy.

Những khả năng mới đáng sợ này trong vũ khí của cả hai nước có thể làm leo thang nguy cơ về một thảm họa sử dụng vũ khí hạt nhân nếu nó xảy ra.

Khởi nguồn sâu xa của khủng hoảng INF

Quá trình dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay có thể được tính từ tháng 9/2009 khi Tổng thống Obama thông báo về một hướng tiếp cận mới với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu trong việc chống lại các tên lửa tầm xa của Iran. Kế hoạch này đã thay thế kế hoạch của chính quyền Tổng thống George W.Bush cho cái gọi là các địa điểm phòng thủ tên lửa trên mặt đất tại Ba Lan và Romania. Ngoài ra, Tổng thống Obama cũng miêu tả chương trình Tiếp cận châu Âu thích ứng từng giai đoạn sử dụng lá chắn phòng thủ Aegis như một hệ thống phòng thủ "nhanh nhạy hơn và thông minh hơn" so với kế hoạch trước đó. Việc lắp đặt lá chắn tên lửa phòng thủ này sẽ bao gồm một lượng lớn các máy bay đánh chặn nhỏ hơn và chậm hơn được dẫn đường bởi các radar Aegis thường được các tàu chiến của Hải quân Mỹ sử dụng.

Nhưng có một điều mà Tổng thống Obama dường như không biết là không có radar nào phù hợp với chương trình của ông có thể giám sát được các đầu đạn tầm xa của Iran tại một khoảng cách phù hợp để triển khai các máy bay đánh chặn. Một số nhà phân tích cho rằng đó là một sai lầm ngớ ngẩn, và chỉ có thể giải thích bằng sự thiếu thông tin về kỹ thuật của Bộ Quốc phòng cũng như sự thiếu sót của các nhân viên về chính sách của Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao khi tham vấn cho Tổng thống đề xuất những thay đổi này.

Tổng thống Obama có lẽ cũng đã không được biết rằng việc lắp đặt tổ hợp “Aegis ashore” tại Ba Lan và Romania có khả năng trang bị nhanh chóng các tên lửa hành trình tấn công hơn là phòng thủ và điều đó đã gây ra mối đe dọa trực tiếp cho lãnh thổ của Nga ở châu Âu.

Nói cách khác, quyết định lắp đặt hệ thống Aegis tại châu Âu không tạo ra khả năng phòng thủ tên lửa cho Mỹ mà thay vào đó đã tạo ra một hệ thống có thể nhanh chóng trang bị hàng chục cho tới hàng trăm tên lửa tấn công hành trình.

Đó là lý do mà Nga đã có những phản ứng gần như ngay lập tức sau khi ông Obama quyết định triển khai kế hoạch này.

Hiện lý do mà chính quyền Tổng thống Trump quyết định rời khỏi Hiệp ước INF là việc Nga phát triển tên lửa hành trình SSC-8 hay còn được biết tới là 9M729, cáo buộc rằng loại tên lửa này vi phạm các giới hạn về tầm bắn của các loại vũ khí được quy định trong INF. Tuy nhiên, liệu Nga có thực sự vi phạm Hiệp ước hay không khi mà tên lửa SSC-8 dường như có những đặc điểm tương đồng với tên lửa hành trình phóng từ biển Tomahawk của Mỹ. Tên lửa Tomahawk đã sẵn sàng hoạt động và có thể được phóng lên từ các địa điểm của Aegis.

Một số nhà phân tích phương Tây cho rằng Nga đã "nhầm lẫn" khi cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ có khả năng tấn công. Tuy nhiên, các thông tin có sẵn cho thấy hệ thống Aegis được triển khai ở Đông Âu nếu được trang bị các tên lửa hành trình, thực sự sẽ vi phạm các điều khoản của Hiệp ước INF.

Do hệ thống Aegis hầu như rất ít được sử dụng trong việc ngăn chặn các tên lửa tầm xa của Iran nên không lạ gì khi các nhà tham mưu quân sự và các quan chức chính phủ Nga nghi ngờ về lý do Mỹ quyết định đặt hệ thống này ở Đông Âu. Nga cho rằng quyết định này của Mỹ có thể hàm chứa một tầm nhìn chiến lược dài hạn về việc mở rộng và điều chỉnh hệ thống này để nhằm vào Nga.

Nga cũng kiên quyết cho rằng khả năng kép (phòng thủ - tấn công) của "Aegis ashore" đã vi phạm giới hạn về tầm bắn của các loại vũ khí tấn công được quy định trong Hiệp ước INF. Trong khi đó, chính phủ Mỹ khẳng định việc lắp đặt hệ thống này tại Ba Lan và Romania không đe dọa gì đến Nga bởi phần mềm máy tính của chúng không tương thích với bệ phóng của các tên lửa hành trình.

Hiệp ước INF sụp đổ - “Hộp Pandora” không ai muốn mở

Tuy nhiên, để tiếp tục Hiệp ước INF hiện nay cũng không phải là điều đơn giản.

Cả Nga và Mỹ hiện nay đều cần dừng lại những nghi ngờ và những đe dọa lẫn nhau. Thay vào đó, hai bên phải suy nghĩ đến những mối nguy hiểm chung mà cả Moscow và Washington đều sẽ đối mặt nếu Hiệp ước này sụp đổ. Thực tế thì hệ thống vũ khí tên lửa hạt nhân hiện nay có thể gây ra nhiều hậu quả mà chúng ta không thể ngờ tới, không chỉ liên quan đến vận mệnh của 2 nước mà là sự ổn định của toàn cầu và tương lai của nhân loại.

Mỹ phải thừa nhận rằng chính quyền Tổng thống Obama trên một khía cạnh nào đó đã lựa chọn một hệ thống phòng thủ tên lửa phóng từ mặt đất ít có khả năng phòng thủ mà thay vào đó giống như một hệ thống tấn công vào Nga hơn. Chính quyền Tổng thống Trump cũng phải dừng những quan điểm cực đoan khăng khăng rút khỏi Hiệp ước INF bởi nếu điều này xảy ra, nó sẽ đẩy thể giới đến những nguy hiểm không ngờ. Còn đối với Nga, Nga cũng cần rút lại những lời đe dọa hay những tuyên bố phát triển các loại vũ khí mới như một cách để phản ứng trước Mỹ hiện nay. Sự tin tưởng lẫn nhau có lẽ là điều cần thiết nhất để cả Nga và Mỹ có thể dẹp bỏ những bất đồng và ngồi lại với nhau, chí ít nếu không thể cứu vãn hoàn toàn Hiệp ước INF thì cũng có thể điều chỉnh lại để nó phù hợp hơn với thực tế hiện nay.

Cả hai bên sẽ "cùng thắng" (win - win) nếu có thể tin tưởng và nhượng bộ lẫn nhau để cùng giải quyết vấn đề. Còn nếu điều ngược lại xảy ra, mọi chuyện cũng giống như chiếc hộp Pandora được mở ra vậy, dù không biết trước là điều gì sẽ xảy ra nhưng chắc chắn nó sẽ có những hậu quả khôn lường với nhân loại./.