Ngày 26/9, truyền thông Nga đưa tin, Đại sứ nước này tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin cho biết, Nga sẽ chuẩn bị sẵn sàng tham gia các cuộc thảo luận về cải cách Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhưng kiên quyết phản đối đề xuất cải cách quyền phủ quyết.

vitaly_churkin_lrvu.jpgĐại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin (Ảnh AFP)

Trước đó, ngày 25/9, Đại sứ Nga đưa ra quan điểm trên tại một hội nghị cấp cao đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra tại New York, Mỹ, trong đó bàn về chủ đề có nên tiếp tục thực thi quyền phủ quyết trong trường hợp cần áp dụng các biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn.

Hội nghị này do Pháp, một trong 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an kêu gọi triệu tập và Pháp cũng là nước tích cực khởi xướng vấn đề cải cách quyền phủ quyết.

Theo Đại sứ Nga, các cuộc thảo luận về cải cách Hội đồng Bảo an cần được tiếp tục, tuy nhiên Nga phản đối bất kỳ đề xuất nào nhằm hạn chế quyền phủ quyết của các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an.

Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Alexander Pankin nhấn mạnh, chính vì tồn tại cơ chế bỏ phiếu phủ quyết mà Hội đồng Bảo an đã không chỉ một lần tránh đưa ra các quyết định không sáng suốt và “gây hoài nghi”.

Liên Hợp Quốc đã không tham gia vào cuộc tấn công xâm lược Nam Tư trước đây và không dính líu vào vấn đề Iraq cũng như không đẩy Syria bên bờ vực sụp đổ.

Ngoài ra, ông Pankin còn dẫn ví dụ cụ thể về vấn đề Libya, do không áp dụng quyền phủ quyết, nên nghị quyết được thông qua tại Hội đồng Bảo an đã trở thành cái cớ để không kích và lật đổ một chính quyền hợp pháp. Hậu quả cho đến nay quốc gia Bắc Phi này vẫn chìm trong bạo loạn và bất ổn./.