Tình hình dịch bệnh tại nước này đang có dấu hiệu ổn định. Theo Ban Điều hành về ngăn ngừa và chống lây lan dịch Covid-19 của Nga, trong 24 giờ qua, tại nước này ghi nhận hơn 8.900 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2. Tính chung trên cả nước, ở 85 chủ thể có gần 290.700 ca nhiễm bệnh. Số đã bình phục là hơn 70.200 người, có hơn 2.700 người tử vong.
Theo người đứng đầu Cơ quan Kiểm soát và bảo vệ tiêu dùng Nga Anna Popova, tình hình lây lan dịch Covid-19 ở nước này đang ổn định, do người dân đã có sự giữ gìn đối với sức khỏe của mình. Tuy nhiên, theo bà, dịch bệnh vẫn còn duy trì trong thời gian dài. Trong mùa hè, mọi người vẫn phải tuân thủ các quy tắc đã áp dụng về phòng dịch, tuân thủ việc đeo khẩu trang ở các nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông, ngoài phố, tại nơi làm việc. Trên máy bay cũng phải tuân thủ các quy tắc về phòng dịch.
Trong diễn biến liên quan, các chủ nhà hàng, salon thẩm mỹ và các cơ sở tắm hơi ở Nga đang đề nghị điều chỉnh các khuyến nghị của Cơ quan Kiểm soát và bảo vệ tiêu dùng Nga về an toàn vệ sinh trong hoạt động sau khi dỡ bỏ các hạn chế do dịch Covid-19.
Những yêu cầu chung của Cơ quan này là kiểm soát bắt buộc nhiệt độ của các nhân viên, đảm bảo khẩu trang, găng tay, dung dịch sát khuẩn cho họ, tuân thủ giãn cách xã hội, khử trùng nơi làm việc và thiết bị. Đồng thời, theo các khuyến nghị, đối với các nhà hàng, sau khi dỡ bỏ chế độ hạn chế, có ba phương thức tổ chức công việc với những đặc điểm riêng: đó là giai đoạn chuyển tiếp, ổn định và thường xuyên.
Giai đoạn đầu, các thẩm mỹ viện được yêu cầu cung cấp dịch vụ ở khoảng cách ít nhất 1,5 m từ khách hàng; đối với phòng tắm và phòng tắm hơi thì cấm sử dụng bể bơi, mang thức ăn và đồ uống cho khách; Hoặc trong lĩnh vực ăn uống công cộng, giai đoạn đầu, chỉ các doanh nghiệp có diện tích không quá 50 m2, với điều kiện là không quá 5 bàn được kê trong phòng ăn với một hoặc hai chỗ ngồi. Ở giai đoạn tiếp theo - chế độ ổn định - các cơ sở có không quá 20 chỗ có thể được mở.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nga Sergei Katyrin, phần lớn các yêu cầu của Cơ quan kiểm soát và bảo vệ tiêu dùng về an toàn vệ sinh là “logic và đúng đắn”, tuy nhiên, trong nhiều trường hợp đòi hỏi các doanh nghiệp phải cải tổ lại kinh doanh, tốn kém chi phí, giảm lợi nhuận nghiêm trọng. Do đó, đang đặt ra vấn đề căn chỉnh giữa các khuyến nghị của cơ quan chuyên môn và thực tế áp dụng của các doanh nghiệp, theo tình hình dịch bệnh giảm dần./.