Tổng thống Ukraine bị phế truất Viktor Yanukovych hôm 3/3 đã đề nghị Nga đưa quân vào khôi phục luật pháp và trật tự ở Ukraine.  Trước tình hình căng thẳng leo thang, do lo ngại Nga tiến hành can thiệp quân sự trên bán đảo Crimea thuộc Ukraine, Liên minh châu Âu đã lên kế hoạch trừng phạt Nga trong khi Mỹ cũng đang cân nhắc để phản đối hành động của Nga.

dai%20su%20grant%20anh.jpg
Đại sứ Anh Grant tại Liên Hợp Quốc (ảnh: radiomaanta)

Tổng thống Ukraine bị phế truất Viktor Yanukovych đã gửi một bức thư cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, kêu gọi ông Putin triển khai quân đội nhằm khôi phục luật pháp, trật tự và sự ổn định tại Ukraine.

Trích dẫn thư của ông Yanukovych tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin cho rằng, Tổng thống bị lật đổ Vikto Yanukovych là Tổng thống hợp pháp của Ukraine, do đó, việc ông Yanukovych kêu gọi Tổng thống Nga Putin tiến hành can thiệp quân sự là nguyên nhân cho sự hiện diện quân sự của Nga tại Crimea.

“Ukraine là chỗ anh em”

Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin nêu rõ: “Quan điểm của Nga là nhất quán và rõ ràng. Trong khi đối với một số chính trị gia phương Tây, Ukraine chỉ là một sân chơi địa chính trị, thì đối với chúng tôi đây là một đất nước anh em. Trong tình huống đặc biệt này, khi cuộc sống và an ninh của các công dân Crimea và các khu vực phía Đông Nam đang phải chịu những mối đe dọa từ các hành động khiêu khích và vô trách nhiệm của các băng nhóm và các yếu tố cực đoan khác, chúng tôi một lần nữa nhấn mạnh rằng, những hành động của Nga là hoàn toàn thích hợp và hợp pháp”.

Phản ứng trước tuyên bố trên từ phía Nga, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power cho rằng hành động quân sự của Nga là vi phạm luật pháp quốc tế khi mà các công dân tại Crimea và khu vực phía Đông Ukraine hiện vẫn được đảm bảo an toàn.

Trong khi đó, theo đại sứ Anh Mark Lyall Grant và đại sứ Pháp Gerard Araud, tuyên bố của Nga về việc ông Yanukovych yêu cầu sự can thiệp quân sự của Nga, chỉ là một cách để Nga biện minh cho các hành động của mình.

Khủng hoảng tệ nhất châu Âu trong 2 thập kỷ qua

Trong một động thái nhằm gây áp lực với Moscow về vấn đề Ukraine, các Ngoại trưởng Liên minh châu Âu, tại cuộc họp ở Brussels vào ngày 3/3, đã kêu gọi Nga rút quân đội về các căn cứ và tổ chức tham vấn với chính quyền Ukraine, nếu không Nga có thể sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt.

Các Ngoại trưởng Liên minh châu Âu  bày tỏ lo ngại về tình hình ở Ukraine, coi đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất tại châu Âu trong hơn 2 thập kỷ qua.

Tại cuộc họp báo sau hội nghị, Cao ủy Liên minh châu Âu về chính sách đối ngoại Catherine Ashton cho biết khối này đang xem xét các biện pháp trừng phạt đối với những nhân vật liên quan thông qua hình thức đình chỉ quan hệ hoặc không cấp thị thực đi lại trong Liên minh châu Âu.

Bà Ashton nói: “Nếu như không có các bước đi của Nga nhằm xoa dịu căng thẳng, Liên minh châu Âu sẽ đưa ra những quyết định về các mối quan hệ song phương giữa Liên minh châu Âu và Nga. Chúng tôi đã đề cập đến khả năng đỉnh chỉ các cuộc đàm phán song phương về kinh tế và các  vấn đề thị thực. Chúng tôi sẽ cân nhắc các biện pháp này.”

Cùng ngày, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết Washington đã ngừng các cuộc đàm phán về thương mại và đầu tư với Moscow.

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng thông báo Mỹ sẽ ngừng tất các hợp tác quân sự với Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Tổng thống Mỹ Obama cáo buộc Nga “đã phạm sai lầm lịch sử” ở Ukraine và cho biết đang cân nhắc các biện pháp nhằm cô lập Nga. Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ cho rằng, chính quyền của Tổng thống Barack Obama cần cân nhắc kỹ mọi phản ứng đối với Nga trong vấn đề Ukraine, bởi ông Obama có thể sẽ gặp khó khăn nếu các đồng minh của Mỹ ở châu Âu chỉ lớn tiếng mà lại thận trọng trong hành động.

Về phía NATO, liên minh quân sự này sẽ họp khẩn cấp trong ngày hôm nay để thảo luận tình hình Ukraine sau khi Ba Lan, một quốc gia láng giềng của Ukraine, đưa ra đề xuất. Tổng Thư ký NATO Fogh Rasmussen cho rằng những diễn biến trong và xung quanh Ukraine có nguy cơ đe dọa các quốc gia thành viên NATO giáp giới nước này và có thể đe dọa an ninh và ổn định ở khu vực châu Âu- Đại Tây Dương./.