Theo Trung tâm Ứng phó Khẩn cấp quốc gia Nepal (NEOC) công bố ngày 1/5, thương vong trong trận động đất ngày 25/4 vừa qua ở nước này đã lên đến 6.204 người thiệt mạng và 13.932 người bị thương.
Công tác cứu hộ, tìm kiếm những nạn nhân còn sống sót và hỗ trợ những người mất nhà cửa trong trận động đất vẫn đang được tiếp tục, trong khi lở đất vẫn tiếp tục xảy ra.
Bộ Nội vụ Nepal cho biết, huyện Sindhupalchowk là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 2.000 người thiệt mạng, tiếp theo là Kathmandu với 1.100 người thiệt mạng.
Bộ trưởng Tài chính Nepal Sharan Mahat ước tính, nước này sẽ cần ít nhất 2 tỷ USD để tái thiết nhà cửa, bệnh viện, các cơ quan chính phủ và các công trình lịch sử.
Ông Mahat nhấn mạnh đây mới chỉ là tính toán ban đầu, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của quốc tế. Bộ trưởng Thông tin Nepal Rijal thông báo chính phủ sẽ ngay lập tức hỗ trợ 1.000 USD cho những gia đình có nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất và 400 USD để an táng nạn nhân.
Trong ngày 30/4, bất chấp tình trạng lở đất diễn ra, khó khăn trong việc tiếp cận các khu vực hẻo lánh gần tâm chấn trận động đất, các đội cứu hộ, tìm kiếm nạn nhân mất tích vẫn tiếp tục nỗ lực khắc phục hậu quả. Lực lượng cứu hộ đa quốc gia đã cứu sống được hai nạn nhân, trong đó có một thiếu niên 15 tuổi, một phụ nữ khoảng 30 tuổi trong đống đổ nát.
Việc cứu sống hai nạn nhân sau 6 ngày xảy ra động đất được xem là một điều thần kỳ, và lực lượng cứu hộ đang tiếp tục khẩn trương tìm kiếm với hy vọng cứu sống thêm được nhiều người. Các nước và tổ chức quốc tế tiếp tục thông báo về việc vận chuyển thực phẩm và các mặt hàng cứu trợ khác đến Nepal. Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) đã kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp 8 triệu USD cho nông dân Nepal.
Thông báo của Chương trình lương thực thế giới (WFP) cho biết, trong hai ngày qua, đã trao hơn 100 tấn thực phẩm tới người dân ở khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất, trong khi Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc cũng đã chuyển gần 30 tấn hàng gồm lều bạt, các bộ dụng cụ lọc nước và các nhu yếu phẩm khác cho người dân Nepal.
Bên cạnh đó, Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã cung cấp thuốc men, thiết bị y tế cho những người dân sống bên ngoài thủ đô Kathmandu, nhằm ngăn ngừa sự bùng phát dịch.
Anh Lowson, một nhân viên của tổ chức chữ thập đỏ Nepal cho biết: “Hiện, Nepal đang phải đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch bệnh, bởi vì môi trường ở đây đang bị ô nhiễm và người dân không có nước sạch để dùng. Mặc dù chính phủ đã cung cấp thuốc men cho người dân, nhưng nhiều người không biết cách sử dụng đúng thuốc men để ngăn ngừa dịch bệnh”.
Ngày 30/4, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách về công tác nhân đạo Valerie Amos đã tới Nepal để đánh giá tình hình, cũng như tập trung vào công tác điều phối các hoạt động cứu hộ ở nước này./.