Sau hơn 1 tuần xảy ra thảm họa động đất lớn nhất trong vòng 80 năm qua tại Nepal, song song với các hoạt động cứu hộ, các hoạt động cứu trợ, đặc biệt là tăng cường liệu pháp tâm lý cho những người còn sống cũng như phòng chống dịch bệnh sau thảm họa đang được đẩy mạnh tại các khu vực xảy ra thảm họa.
Ngày 3/5, một nhóm các chuyên gia tâm lý học đã tiến hành tư vấn tâm lý cho những người còn sống trong trận động đất tại Nepal nhằm giúp họ giải tỏa căng thẳng, lo âu cũng như truyền cho họ cảm hứng để tiếp tục cuộc sống.
Ông Gurung, trưởng nhóm chuyên gia chia sẻ: “Sau trận động đất, mọi người tại khu vực xảy ra thảm họa thường có xu hướng lo sợ, lo âu thậm chí là phải trải qua những tổn thương về tinh thần khiến họ không dám trở về nhà. Hiện tại người dân đã được trợ giúp về lương thực, nước uống và lều trại ở tạm song chúng tôi cần tiếp thêm cho họ lòng can đảm và ý chí mạnh mẽ để họ có thể đứng lên tiếp bước cuộc sống của mình”.
Trong ngày 3/5, tức là sau 1 tuần xảy ra trận động đất, nhóm chuyên gia tâm lý trên đã tư vấn tâm lý cho hơn 2.500 người sống trong các khu lều tạm ở thủ đô Kathmandu. Hoạt động trên của nhóm chuyên gia đã nhận được sự ủng hộ của khá nhiều người dân, bởi với họ những gì xảy ra sau trận động đất là quá khủng khiếp.
Anh Bimala Poudyeal, một người sống sót trong trận động đất bày tỏ: “Tôi đến với các chuyên gia để được tư vấn. Sau trận động đất, mọi thứ đều thiếu thốn. Tôi tự hỏi làm sao tôi có thể sống sót sau trận động đất, làm sao tôi có thể xử lý được với các biến cố. Tất cả mọi thứ đều khiến cho tôi căng thẳng”.
Theo thống kê, tính đến nay đã có hơn 7.000 người thiệt mạng và hơn 14.000 người khác bị thương trong trận động đất mạnh 7,8 độ richter xảy ra hôm 25/4 vừa qua. Trận động đất cũng đã tàn phá nặng nề cơ sở hạ tầng, khiến hàng nghìn người phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất.
Các nguồn cung cấp thực phẩm và nước uống không đủ cùng với điều kiện vệ sinh quá nghèo nàn đang đe dọa cuộc sống của hàng nghìn người dân. Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện tại các khu vực xảy ra thảm họa của Nepal đã bước vào giai đoạn phòng chống dịch bệnh.
Ông Lưu Hải Phong (Liu Haifeng), người đứng đầu văn phòng tìm kiếm và cứu hộ Trung Quốc tại Nepal nói: “Hiện tại chúng tôi vẫn đang kiểm soát tình hình dịch bệnh song chúng ta không được phép chủ quan. Do nhiệt độ đang gia tăng và các thi thể nạn nhân trận động đất và động vật đang bắt đầu thối rữa nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất lớn”.
Trước đó, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cũng cảnh báo các đội cứu hộ đang phải chạy đua với thời gian để ngăn chặn dịch bệnh có thể lây lan tại các khu vực xảy ra thảm họa./.