Bên cạnh cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng hiện nay, Ukraine đang phải đối mặt với một thách thức không nhỏ khác đó là khôi phục nền kinh tế đang trên bờ vực phá sản.

Biến động chính trị thời gian qua đã làm trầm trọng hơn những khó khăn về kinh tế mà Ukraine phải đối mặt, đó là tình trạng eo hẹp về tài chính và khả năng "vỡ nợ” cao.

ukraine_copy.jpg
Tình hình bất ổn tại Ukraine khiến kinh tế nước này suy sụp (Ảnh AFP)

Những ngày qua, chính quyền lâm thời tại Ukraine liên tục gióng hồi chuông cảnh báo và kêu gọi tài trợ quốc tế.

Trong một phát biểu mới đây, Tổng thống lâm thời Ukraine Alexander Tuchinov tuyên bố, Ukraine đang đứng trước “bờ vực thẳm”, có nguy cơ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán.

Ngay sau đó, Bộ Tài chính nước này công bố các số liệu cho thấy, số tiền hỗ trợ mà Ukraine cần trong 2 năm tới ước tính khoảng 35 tỷ USD và kêu gọi tổ chức một hội nghị các nhà tài trợ lớn cho Ukraine.

Tuy nhiên, trước khi một hội nghị như thế có thể diễn ra, ngân khố Nhà nước của Ukraine gần như “trống rỗng” và tất cả các chỉ số kinh tế vĩ mô đều trong tình trạng báo động đỏ.

Thực tế là năm ngoái, Ukraine cũng từng phải đối mặt với nguy cơ phá sản nếu không nhận được khoản giải ngân 3 tỷ USD trong gói hỗ trợ 15 tỷ USD mà Nga cam kết dành cho nước này.

Chính vì thế, cùng với những tác động của cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, những mối nguy cơ đối với nền kinh tế Ukraine càng trở nên hiện hữu, khiến người dân không khỏi hoang mang.

Với một nền kinh tế mở, Ukraine chịu tác động mạnh của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới hồi năm 2008-2009. Kể từ đó, tăng trưởng kinh tế của quốc gia Đông Âu này khá èo uột.

Theo các chuyên gia kinh tế, Ukraine hiện được xếp vào danh sách những quốc gia nghèo khó tại châu Âu. Năm ngoái, thu nhập bình quân đầu người tại nước này là 3.000 Euro, được coi là thấp nhất tại châu Âu.

Trong bối cảnh trên, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde ngày 28/2 trấn an người dân Ukraine, cũng như các nhà đầu tư khi kêu gọi bình tĩnh về tình hình kinh tế của Ukraine.

Theo bà, hiện tại Quỹ tiền tệ quốc tế không thấy có điều gì nghiêm trọng khiến phải hoảng loạn.

Thể chế tài chính quốc tế này cũng đã cử một nhóm chuyên gia tới Ukraine để đánh giá tình hình kinh tế cũng như thảo luận với Chính phủ tạm quyền Ukraine về "những cải cách chính trị cần thiết," coi đây là tiền đề chương trình hỗ trợ của thể chế tài chính đa phương lớn nhất toàn cầu này.

Cao ủy phụ trách các vấn đề Đối ngoại của Liên minh châu Âu, bà Catherine Ashton cho biết, Liên minh châu Âu và các nước thành viên sẵn sàng hỗ trợ Ukraine cho đến khi Chính phủ mới của nước này có thể đàm phán các gói hỗ trợ chính thức với Quỹ tiền tệ quốc tế.

Chính phủ Đức hôm qua cũng kêu gọi phối hợp các nỗ lực nhằm hỗ trợ nền kinh tế Ukraine. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble nói: “Chính phủ Đức ủng hộ mọi ý tưởng kêu gọi phối hợp các nỗ lực nhằm hỗ trợ nền kinh tế Ukraine, song Quỹ tiền quốc tế phải đóng vai trò đi đầu. Bởi Quỹ tiền tệ quốc tế có thể đảm bảo những gì mà Ukraine đang cần, không chỉ là về ngắn hạn. Cộng đồng quốc tế luôn sẵn sàng và nếu chúng ta phối hợp hành động dưới sự dẫn dắt của Quỹ tiền tệ quốc tế, mọi việc chắc chắn sẽ đi đúng hướng”.

Trong khi đó, Chính phủ Nga ngày 28/2 bày tỏ sẵn sàng giúp Ukraine đưa nền kinh tế thoát khỏi nguy cơ sụp đổ. Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, Nga sẵn sàng giúp đỡ Ukraine trong giai đoạn quá độ kinh tế./.