Sự sụt giảm giá dầu thô trên thị trường thế giới vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại dù đã bước sang năm 2015 và xuống dưới ngưỡng 50 USD/thùng, đang tiếp tục mang lại nhiều lợi ích cho các nước nhập khẩu dầu như Ai Cập, giúp nước này giảm bớt gánh nặng trong cân đối chi tiêu ngoại tệ từ chính sách trợ giá nhiên liệu, cũng như vực dậy nền kinh tế vốn đang trở nên trì trệ do các cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài.
Giá dầu thế giới giảm đã đem đến sự hài lòng, cũng như kỳ vọng mới cho người dân Ai Cập. Sự hài lòng của họ xuất phát từ việc giá dầu thấp giúp giảm thâm hụt ngân sách nhà nước.
Ai Cập là quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất châu Phi, chiếm hơn 20% tổng nhu cầu tiêu thụ dầu và hơn 40% tổng lượng tiêu thụ khí đốt tự nhiên của châu lục này.
Một trong những thách thức hiện nay của Ai Cập là đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm từ dầu ngày càng tăng của người dân, trong khi sản lượng khai thác giảm.
Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, trong vòng 10 năm qua, tổng lượng dầu tiêu thụ hàng năm của Ai Cập đã tăng trung bình khoảng 3%, trong đó đã lên đến gần 770.000 thùng/ngày vào năm 2013. Do vậy, việc giá dầu thế giới giảm đã tác động tích cực đến nền kinh tế Ai Cập, cụ thể là việc giảm bớt gánh nặng nhập khẩu năng lượng.
Việc giảm giá dầu đang có lợi cho nền kinh tế Ai Cập vì hai lý do. Thứ nhất, các khoản trợ cấp cho các sản phẩm từ dầu đang được giảm xuống gần một nửa ngân sách của quốc gia.
Thứ hai, áp lực dự trữ ngoại hối giảm khi những đồng USD cần thiết để mua dầu giảm gần một nửa. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, rõ ràng khi giá dầu thế giới giảm, dẫn đến việc Ai Cập sẽ giảm các khoản trợ cấp cho các sản phẩm dầu mỏ.
Theo đó, tổng trợ cấp dầu mỏ trong dự chi ngân sách tài chính năm 2014/2015 của Ai Cập là 100 tỷ bảng (tương đương 14 tỉ USD) và việc giá dầu giảm sẽ giúp nước này tiết kiệm khoảng 30 tỷ bảng (tương đương 4 tỷ USD), chỉ còn 70/100 tỷ bảng so với dự chi, sau khi kết thúc năm tài chính vào tháng 6/2015.
Bên cạnh những kỳ vọng từ giá dầu mang lại, các chuyên gia kinh tế Ai Cập cũng cảnh báo những ảnh hưởng gián tiếp từ các quốc gia dầu mỏ vùng Vịnh đang hỗ trợ cho Ai Cập, cũng như mối lo ngại cho ngành du lịch Ai Cập khi gần đây đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi.
Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ ở vùng Vịnh, đặc biệt là Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tiếp tục là nguồn cung cấp ngoại tệ lớn hiện nay của Ai Cập.
Tuy nhiên, việc giá dầu thế giới giảm đã khiến ngân sách tài chính của các nước này giảm theo, dẫn đến việc sẽ ảnh hưởng nguồn tài trợ nước ngoài thời gian tới, trong đó có Ai Cập.
Bên cạnh đó, ngành du lịch Ai Cập cũng sẽ bị ảnh hưởng khi lượng du khách đến từ các nước xuất khẩu dầu như Nga và các nước vùng Vịnh giảm dần. Mặc dù một số tín hiệu gần đây cho thấy, ngành du lịch Ai Cập đã bắt đầu tự phục hồi, với lượng khách du lịch tăng đến 12 triệu người, nhưng kết quả này vẫn không đạt như kỳ vọng của Chính phủ. Cùng với đó là xu hướng đang giảm dần lượng du khách và doanh thu tại Ai Cập.
Các chuyên gia kinh tế dự báo, nếu giá dầu thế giới tiếp tục duy trì ở mức thấp như hiện nay, sẽ đem đến cho Ai Cập nhiều cơ hội và thách thức, nhưng có lẽ mang lại thuận lợi nhiều hơn, khi giúp nước này kìm hãm được thâm hụt ngân sách ở mức thấp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đây cũng là yếu tố tích cực giúp Chính quyền của Tổng thống Abdel Fattah Al-Sisi xem xét, thúc đẩy nhanh các mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia trong điều kiện nền kinh tế khu vực và thế giới còn nhiều biến động và nước này đang phải duy trì chính sách vay nước ngoài mà vẫn chưa có giải pháp cụ thể nào để trả nợ./.