Cuộc khủng hoảng chính trị ở Ai Cập đã ảnh hưởng tới nền kinh tế nước này và các hoạt động trao đổi thương mại quốc tế, trong đó có Việt Nam. Phóng viên VOV thường trú tại Ai Cập đã phỏng vấn Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ai Cập Phan Minh Quang.
PV: Thưa ông, cuộc khủng hoảng chính trị tác động như thế nào đến trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Ai Cập?
Ông Phan Minh Quang: Cuộc khủng hoảng ở Ai Cập đã ảnh hưởng mạnh tới kinh tế Ai Cập, trong đó có trao đổi thương mại quốc tế và với Việt Nam.
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ai Cập Phan Minh Quang |
Có thể thấy rõ, đến thời điểm này, không nhiều doanh nghiệp tham gia Hội chợ quốc tế Cairo lần thứ 44 dự kiến tổ chức vào tháng 3 tới. Đây là hội chợ hàng năm thu hút khoảng 2 triệu lượt người thăm và giao dịch thương mại. Chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào đăng ký với Thương vụ tham dự hội chợ.
Kể từ khi xảy ra khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp Ai Cập đã hủy lịch làm việc với Thương vụ Việt Nam. Các giao dịch thư tín cũng giảm. Các doanh nghiệp Việt Nam do lo ngại tình hình không ổn định của Ai Cập nên cũng hạn chế giao dịch.
PV: Vậy theo ông, khi nào các hoạt động giao dịch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Ai Cập trở lại như trước?
Ông Phan Minh Quang: Tôi vẫn luôn theo dõi sát tình hình chính trị, kinh tế và xã hội Ai Cập hàng giờ. Đến thời điểm này, các hoạt động kinh doanh, cuộc sống thường ngày của người dân Ai Cập đã dần ổn định trở lại. Do đó tôi tin rằng việc trao đổi thương mại cũng sẽ sớm phục hồi nhưng không thể như trước khủng hoảng do tâm lý lo ngại của các nhà kinh doanh.
Tác động này cũng khiến cho kim ngạch thương mại hai chiều trong quý 1 giảm mạnh so với cùng ký năm trước. Tuy nhiên, tôi vẫn tin và kỳ vọng tổng kim ngạch thương mại hai chiều cả năm 2011 đạt trên 300 triệu USD do nhu cầu tiêu dùng của Ai Cập rất lớn.
PV: Theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để duy trì quan hệ thương mại và hợp tác với các doanh nghiệp Ai Cập?
Ông Phan Minh Quang: Theo tôi, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục duy trì các quan hệ với các đối tác đã có và tiếp tục tìm kiếm đối tác mới thông qua thương vụ. Chúng tôi luôn cố gắng để thúc đẩy và hỗ trợ cho doanh nghiệp hai nước có các cơ hội tiếp xúc, trao đổi thông tin ngành hàng, mặt hàng.
Thương vụ cũng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ, hội thảo tại Ai Cập.
Cuộc khủng hoảng đã tác động tới kinh tế, đời sống của người dân Ai Cập nhưng tôi cho rằng sức mua của thị trường này rất lớn với hơn 80 triệu dân. Đặc biệt năm nay, Thương vụ tại Ai Cập lấy hai mặt hàng chính để đột phá thị trường là thủy sản và nông sản. Đây là hai mặt hàng chúng ta có thế mạnh trong khi thị trường Ai Cập có nhu cầu lớn.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!./.