Số liệu của Tổng Cục Hải quan cho thấy, 6 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu thủy sản đã đạt 42,78 triệu USD, tăng 17 triệu USD so với cùng kì năm 2011.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản sang Ai Cập giảm đến 50% so với cùng kì 2011, chỉ đạt 5,84 triệu USD. Trong khi đó, theo Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương), nhu cầu của thị trường Ai Cậu đối với mặt hàng này vẫn cao.
Vậy đâu là nguyên nhân của hiện tượng này? Theo báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập: Các doanh nghiệp nhập khẩu Ai Cập thường khiếu nại hàng thủy sản Việt Nam chất lượng không đồng đều, không vượt qua được kiểm tra về an toàn thực phẩm khiến cho việc thông quan khó khăn, gây thêm nhiều chi phí tại cảng như chi phí lưu kho, bãi, chi phí điện…
Về mặt giá cả, giá chào bán tại cùng thời điểm không ổn định khiến khách hàng thắc mắc và cho rằng bị tăng giá bất hợp lý.
Chính từ lý những lý do này, các nhà nhập khẩu đã viện dẫn, thực hiện các cách khác nhau như không trả tiền ngay để nhận bộ chứng từ, để hàng tồn đọng tại cảng biển gây tâm lý lo ngại, tổn thất cho doanh nghiệp Việt Nam nhằm tạo áp lực yêu cầu giảm giá mạnh. Đã có những lô hàng đến cảng, bên nhập khẩu ép doanh nghiệp Việt Nam giảm đến gần nửa giá chào bán ban đầu trong hợp đồng đã ký…
Ngoài ra, thương vụ cũng cho biết, các điều khoản trong hợp đồng do phía Việt Nam soạn thảo thường rất sơ sài, không nêu rõ trách nhiệm của mỗi bên khi ký kết nên dễ bị đối tác gây khó khăn. Hầu hết hợp đồng không có quy định điều khoản khiếu nại, vì vậy mỗi khi có tranh chấp xảy ra, các đối tác thường gặp trực tiếp Thương vụ Đại sứ quán tại Ai Cập, gây nhiều khó khăn, trở ngại khi Thương vụ hỗ trợ doanh nghiệp hai bên giải quyết sự việc.
Để tránh xảy ra các vấn đề trên, Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á khuyến nghị:
Thứ nhất, cần đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu luôn ổn định để tránh gặp khó khăn khi cơ quan chức năng của Ai Cập kiểm tra an toàn thực phẩm.
Thứ hai, khi đàm phán và ký kết hợp đồng với đối tác Ai Cập, các doanh nghiệp nên lựa chọn các phương thức giao hàng, phương thức thanh toán mà lợi thế không quá nghiêng về phía người mua, tránh hiện tượng phía nhập khẩu không nhận hàng để ép giảm giá.
Thứ ba, hợp đồng phải có quy định cơ quan giải quyết tranh chấp (trọng tài hay tòa án) để làm cơ sở cho việc giải quyết khi phát sinh tranh chấp./.