Trong thông cáo chính thức phát đi sau khi kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra trong khoảng 3 tiếng tại Brussels, khối quân sự NATO lần đầu tiên liệt kê Trung Quốc như một “mối đe dọa an ninh” đối với liên minh quân sự này, đồng thời coi Trung Quốc là một “thách thức hệ thống” đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà các nước phương Tây theo đuổi.
Phát biểu trước báo giới, Tổng thư ký NATO - Jens Stoltenberg cho rằng, điều này xuất phát từ sức mạnh quân sự đang ngày càng tăng cũng như thái độ cứng rắn hơn của Trung Quốc trong nhiều vấn đề quốc tế.
Tổng thư ký NATO - Jens Stoltenberg cho biết: “Chúng tôi lo ngại về các chính sách mang tính cưỡng ép từ Trung Quốc, vốn đi ngược lại với các giá trị nền tảng được ghi nhận trong Hiệp ước Washington năm 1949 về việc thành lập NATO. Trung Quốc đang nhanh chóng gia tăng kho vũ khí hạt nhân với nhiều đầu đạn hơn và với nhiều hệ thống phóng tinh vi hơn”.
Việc nêu đích danh Trung Quốc như một mối đe dọa an ninh đối với NATO được xem là một thắng lợi ngoại giao của Tổng thống Mỹ - Joe Biden, người đã vận động hành lang và gây sức ép rất mạnh để các nước đồng minh châu Âu trong NATO thể hiện quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Mặc dù nêu các quan ngại về Trung Quốc, Tổng thư ký NATO - Jens Stoltenberg khẳng định NATO không coi Trung Quốc là đối thủ hay kẻ thù và việc NATO thể hiện quan điểm mới với Trung Quốc là phản ứng phù hợp trước một quốc gia sắp có nền kinh tế lớn nhất thế giới, hiện có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới cũng như lực lượng hải quân đông nhất thế giới.
Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel cũng nhận định, mặc dù Trung Quốc là đối thủ của phương Tây trong nhiều lĩnh vực nhưng Trung Quốc cũng đồng thời là đối tác trong nhiều lĩnh vực khác và do đó, NATO cần phải tìm được một sự cân bằng cần thiết trong quan hệ với Trung Quốc.
“Khi nhìn vào sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc, chúng ta không thể phủ nhận Trung Quốc, nhưng cũng không nên quá thổi phồng điều đó. Quan trọng là cần phải tìm được sự cân bằng phù hợp. Trung Quốc là đối thủ của phương Tây trong nhiều lĩnh vực nhưng cũng là đối tác trong nhiều lĩnh vực khác. Điều này chúng tôi đã nói rõ trong Hội nghị G7 vừa qua. Đối với tôi, điều quan trọng là phải tiếp tục giữ được các đối thoại chính trị với Trung Quốc, giống như đã làm với Nga, để qua đó tìm kiếm giải pháp” - bà Angela Merkel khẳng định.
Ngoài chủ đề về quan hệ với Trung Quốc, tại Thượng đỉnh NATO lần này, nguyên thủ các nước thành viên liên minh quân sự tiếp tục coi Nga là đối thủ tạo ra nhiều thách thức lớn. Tổng thống Mỹ - Joe Biden cũng tuyên bố, mặc dù NATO không tìm kiếm xung đột với Nga nhưng khối quân sự này luôn sẵn sàng đáp trả.
Ông Biden cũng cho rằng Nga và Trung Quốc đang tìm cách làm xói mòn sự đoàn kết giữa Mỹ và châu Âu và ông sẽ đề cập điều này khi gặp Tổng thống Nga - Vladimir Putin tại Thượng đỉnh Mỹ-Nga diễn ra vào ngày 16/6, tại Geneva (Thụy Sỹ).
Về chiến lược cải tổ NATO, các lãnh đạo khối này cũng đã nhất trí thông qua đề xuất về chiến lược NATO 2030, trong đó nâng cao sức mạnh chính trị của liên minh quân sự, đồng thời đầu tư nhiều vào công nghệ và thực hiện nhiều cam kết chống biến đổi khí hậu./.