Ba năm trước, chính Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích các nước thành viên NATO tại một cuộc họp thượng đỉnh ở Brussels, cảnh báo rằng ông có thể sẽ rút Mỹ khỏi liên minh quân sự phương Tây này nếu các nước thành viên khác không tăng chi tiêu quốc phòng.
Tại cuộc họp thượng đỉnh cũng tại Brussels trong ngày 14/6, ông Joe Biden sẽ là người sửa chữa lại những “đổ vỡ” suốt 4 năm qua do “phong cách tự do” của người tiền nhiệm, dù các chuyên gia cảnh báo rằng, những gì đã xảy ra thời Donald Trump sẽ để lại những hậu quả kéo dài.
“Tổng thống Biden trân trọng các liên minh”
Ít nhất, các điềm báo đều cho thấy sự lạc quan. Trong tuần trước, Tổng thống Mỹ đã tuyên bố rằng chương 5 của NATO, trong đó nêu rõ một cuộc tấn công có vũ trang nhằm vào một thành viên cũng là cuộc tấn công nhằm vào tất cả những thành viên còn lại của khối, là một “cam kết bất khả xâm phạm”.
Giọng điệu tôn kính và hòa nhã, vốn là “thương hiệu” của ông Biden, dự báo sẽ lặp lại ở thủ đô Brussels của Bỉ, không chỉ vì Mỹ muốn NATO cùng với G7 có lập trường cứng rắn hơn trước Nga, đặc biệt là về các cuộc tấn công mạng, mà còn cả với Trung Quốc – quốc gia trước đây không được xem như một đối thủ.
Giới chức Mỹ tự tin tuyên bố trước cuộc họp thượng đỉnh của NATO rằng, “đây sẽ là lần đầu tiên các nước NATO nêu ra vấn đề thách thức an ninh từ Trung Quốc”.
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã cam kết một chính sách an ninh mạng mới, đồng thời nói rằng các mối quan hệ với Nga đang ở mức thấp thất kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh.
“Người nhận định ông Biden là tổng thống giàu kinh nghiệm chính sách đối ngoại nhất của Mỹ. Ông thực sự trân trọng các mối liên minh và biết rằng đồng minh là cần thiết để đối phó với các vấn đề như Trung Quốc. Nhưng các đồng minh NATO cũng biết rằng, 4 năm có thể trôi qua rất nhanh trong các vấn đề thế giới. Họ biết rằng ông Trump, hoặc một chính trị gia giống như ông, có thể sớm trở lại cương vị tổng thống Mỹ. Họ phải hình dung ra một thế giới mà Mỹ không phải lúc nào cũng ở đó”, Karin von Hippel, Giám đốc điều hành tổ chức nghiên cứu RUSI (Royal United Services Institute) nói.
Vắng bóng ông Trump khiến NATO dễ thở hơn?
Trước khi ông Biden đắc cử tổng thống Mỹ, NATO đã bị tê liệt.
Ba năm trước, ông Trump tới muộn một phiên họp buổi sáng và “đe dọa” một phiên thảo luận về việc Ukraine xin gia nhập NATO và tình hình ở Afghanistan với quan điểm của riêng ông.
Ông cáo buộc Thủ tướng Đức Angela Merkel đã từ chối chi thêm tiền cho quốc phòng, đồng thời tiếp tục tuyên bố rằng các nước thành viên NATO cần phải tăng chi tiêu quốc phòng trươc tháng 1/2019, nếu không Washington sẽ “đi một mình”.
Đại dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới trong năm 2020 dường như lại là điều khiến những căng thẳng trong NATO trở nên dịu đi, mặc dù ông Trump đã ra lệnh rút 12.000 lính Mỹ khỏi Đức – một quyết định mà ông Biden đã đảo ngược sau khi nhậm chức. Dù vậy, quan điểm cho rằng các nước thành viên khác trong NATO phải tăng chi tiêu quốc phòng và chia sẻ gánh nặng nhiều hơn lại được nhiều đời tổng thống Mỹ ủng hộ.
Tại cuộc họp thượng đỉnh NATO ở Cardiff (Anh) năm 2014, thời điểm ông Barack Obama là Tổng thống Mỹ và ông Joe Biden là Phó Tổng thống, các thành viên đã nhất trí đảo ngược việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng và nâng mức chi tiêu lên trên 2% GDP.
Một phần nhờ sự sụt giảm GDP liên quan đến đại dịch Covid-19, Anh sẽ đạt mức 2,29% trong năm 2021 và Pháp đạt mức 2,01%, nhưng mức chi tiêu của Đức chỉ ở mức 1,53%.
Những cam kết của ông Biden trong vấn đề quân sự cũng không phải là tuyệt đối. Ông đã tiếp nối tuyên bố của người tiền nhiệm Donald Trump về việc rút quân khỏi Afghanistan, cho dù các đồng minh khác trong NATO như Anh sẽ muốn tiếp tục sứ mệnh gìn giữ hòa bình lâu dài.
Tại cuộc họp báo ngày 11/6, phóng viên đặt câu hỏi: liệu việc vắng bóng ông Trump có khiến các thành viên trong liên minh quân sự trở nên “dễ dàng” hơn trong vấn đề chi tiêu quốc phòng hay không? Tổng thư ký NATO đã trả lời rằng “các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong NATO còn vượt xa hơn cả những nhà lãnh đạo chính trị riêng lẻ”.
Tuy nhiên, nhà phân tích Von Hippel của RUSI cảnh báo, không nên nói quá tự tin về một cuộc tụ họp vui vẻ.
“Mối đe dọa về một Donald Trump khác sẽ khiến châu Âu bớt tự mãn hơn”, bà Von Hippel nói./.