Sau cuộc họp thượng đỉnh G7 ở Cornwall, Tây Nam nước Anh cuối tuần vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên đường tới Brussels, Bỉ để dự hội nghị thượng đỉnh NATO trong ngày 14/6.
“Khái niệm chiến lược gần đây nhất được thực hiện vào năm 2010, đề cập tới Nga là “đối tác xây dựng”, và hoàn toàn không đề cập tới Trung Quốc. Vì thế, giờ là lúc cần phải cập nhật Khái niệm chiến lược của NATO. Tổng thống Biden sẽ tham vấn với các đồng minh và đối tác về vấn đề này”, ông Sullivan nói với các phóng viên trên chuyên cơ Không lực Một ngày 13/6.
Khái niệm chiến lược là văn kiện khung đặt nền tảng cho mọi hoạt động quân sự - an ninh của NATO với các nội dung điểm lại tình hình an ninh quốc tế chung và các hướng dẫn về triển khai lực lượng quân sự của khối.
Khái niệm chiến lược NATO 2030 do Tổng thư ký Jens Stoltenberg đưa ra tháng 12/2019 sẽ là tâm điểm tại các cuộc thảo luận trong ngày 14/6. Nếu được thông qua tại hội nghị năm nay, Khái niệm chiến lược mới sẽ được áp dụng ngay vào năm 2022.
Trước đó, Nhà Trắng ra tuyên bố cho biết, NATO sẽ thay đổi các chính sách chiến lược liên quan đến Nga và Trung Quốc, đồng thời công bố Khái niệm chiến lược mới đề cập các mối đe dọa đối với an ninh tập thể, cũng như các mối đe dọa xuyên quốc gia như chủ nghĩa khủng bố, tội phạm mạng, biến đổi khí hậu.
Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels ngày 14/6 diễn ra ngay sau hội nghị thượng đỉnh G7 tại Anh cuối tuần vừa qua, trong đó các nhà lãnh đạo Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Canada đã thảo luận các vấn đề như khôi phục toàn cầu sau đại dịch Covid-19, đối phó biến đổi khí hậu./.