Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg hôm qua (16/7) kêu gọi hai nước thành viên trong NATO là Thổ Nhĩ Kỳ và Đức chấm dứt tranh cãi ngoại giao, đặc biệt là về chuyến thăm của các nghị sĩ Đức tới căn cứ không quân ở Thổ Nhĩ Kỳ. 

can_cu_incirlik_utgv.jpg
Việc Thổ Nhĩ Kỳ không cho các nghị sĩ Đức thăm căn cứ không quân Incirlik là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng giữa 2 nước. Ảnh: Incirlik.af.

Quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ - hai nước thành viên NATO trở nên căng thẳng hơn sau một loạt diễn biến gần đây. Đầu tháng này, các nhà hoạt động phản đối Hội nghị G20 đã đặt một biểu tượng “kích động bạo lực” ngay trước Phủ Thủ tướng ở Berlin, trong đó mô tả Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan như một nhà độc tài.

Mô hình trên được đặt bên lề đường ngay trước khuôn viên Phủ thủ tướng của bà Angela Merkel ngày 3/7. Thổ Nhĩ Kỳ ngay sau đó lên án gay gắt vì đã để hình ảnh như vậy xuất hiện ngay trước văn phòng của Thủ tướng Merkel, đồng thời coi đây là hành động kích động bạo lực trực tiếp. Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Berlin khi đó cũng cho rằng "khó hiểu và không thể chấp nhận" khi những hình ảnh như vậy được công khai mà không có sự can thiệp của giới chức an ninh. 

Trong khi đó, Đức cũng từ chối để Tổng thống Erdogan phát biểu trước cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ khi tới tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại nước này. Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi đề nghị chính thức về vấn đề này vào cuối tháng 6 trước khi tham dự G20.

Tuy nhiên, ông cho rằng, đây là hành động “không phù hợp”, và cũng viện các lý do an ninh trước thềm cuộc tổng tuyển cử tại Đức vào tháng 9 tới để từ chối đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ.

“Đức là một đất nước cởi mở. Nhưng chúng tôi sẽ không để những xung đột chính trị nội bộ của nước khác diễn ra trên đất nước của mình. Đối với chúng tôi, những người Thổ Nhĩ Kỳ sống tại Đức là một phần trong xã hội. Chúng tôi coi họ là những người sống cùng với mình như các công dân của nước Đức, cho dù họ có mang quốc tịch Đức hay không”, ông Gabriel nói.

Quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ luôn trong tình trạng căng thẳng suốt một năm vừa qua, liên quan đến các vấn đề người Kurd, cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi hiến pháp và khôi phục án tử hình ở Thổ Nhĩ Kỳ, vụ bắt giữ các nhà báo Đức với cáo buộc tuyên truyền khủng bố.

Mâu thuẫn giữa hai nước tiếp tục leo thang sau khi Thổ Nhĩ Kỳ từ chối cho phép các nghị sĩ Đức đến thăm binh lính của nước này đóng quân tại các căn cứ không quân Incirlik và Konya ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Dù có nhiều diễn biến căng thẳng, nhưng giới quan sát nhận định, cả Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đều sẽ hướng tới việc giải quyết mối quan hệ bằng cách hòa giải. Hiện nay Đức đang là đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Đức cũng là nhân tố cực kỳ quan trọng có tác động tới sự thành-bại của Thổ Nhĩ Kỳ trong nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, chính quyền của Thủ tướng Angela Merkel cũng không muốn phá vỡ quan hệ ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tránh nguy cơ đẩy nước này về phía Nga./.