Mỹ đóng góp khoảng 80 triệu USD/năm, tương đương hơn 1/5 nguồn kinh phí hoạt động cho UNESCO song nước này quyết định dừng đóng góp kể từ tháng 11/2011 sau khi tổ chức này trao quy chế thành viên đầy đủ cho Palestine. Israel cũng có động thái tương tự để phản đối quyết định này của UNESCO.

Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova lấy làm tiếc rằng, trong 2 năm qua sự tham gia cũng như sức ảnh hưởng của Mỹ ở tổ chức này ngày càng giảm. Các nước khác đang tích cực đóng góp cho UNESCO để bù vào phần thiếu hụt của Mỹ song ngân sách hoạt động của tổ chức này trong năm sau vẫn giảm khoảng 150 triệu USD.

unesco.jpg
Mỹ và Israel không còn quyền bỏ phiếu tại UNESCO (Ảnh AFP)

Dư luận tại Mỹ lo ngại rằng tình trạng này có thể khiến nước này mất đi tiếng nói quan trọng trong những hoạt động thúc đẩy văn hóa, giáo dục, khoa học của thế giới nhằm thúc đẩy hòa bình.

Khó khăn về ngân sách chính là rào cản lớn nhất khiến chính quyền của ông Obama chưa thay đổi được quyết định này.

Cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách về các tổ chức quốc tế Esther Brimmer cho rằng, việc thanh toán một lúc khoản đóng góp trong 2 hay 3 năm không phải là gánh nặng tài chính quá lớn đối với nước Mỹ nhưng việc chậm trễ ra quyết định trong vấn đề này sẽ khiến gánh nặng gia tăng./.