Chính phủ Anh triệu tập phiên họp hội đồng an ninh quốc phòng gấp sáng sớm 22/2 trong khi Ngoại trưởng các nước EU sẽ nhóm họp chiều 22/2 để công bố các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sau khi Nga quyết định công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine.
Cuộc họp hội đồng an ninh quốc gia khẩn cấp được Thủ tướng Anh Boris Johnson triệu tập ngay từ 6h30 sáng (giờ địa phương) sau khi Tổng thống Nga, Vladimir Putin tối 21/2 ký quyết định công nhận độc lập đối với hai nước cộng hòa tự xưng ở vùng Donbass của Ukraine, đồng thời ra lệnh gửi quân đội Nga tiến vào vùng này để thực thi sứ mệnh gìn giữ hòa bình.
Nội dung chính của cuộc họp, theo tuyên bố của Ngoại trưởng Anh, bà Liz Truss, là hoàn thiện chi tiết các lệnh trừng phạt mà Anh sẽ chính thức công bố nhằm vào Nga ngay trong ngày 22/2. Ngoài ra, chính phủ Anh cũng cho biết sẽ nghiên cứu khả năng tăng thêm viện trợ quân sự cho Ukraine.
Theo dự kiến, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ sớm có cuộc họp báo để công bố các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga trong đầu giờ chiều ngày 22/2 theo giờ địa phương. Trong khi đó, phát biểu trên nhiều kênh truyền thông của Anh trong sáng ngày 22/02, nhiều quan chức trong chính phủ Anh giữ quan điểm chỉ trích quyết liệt đối với Nga. Bộ trưởng Y tế Anh, Sajid Javid, một đồng minh thân cận của Thủ tướng Boris Johnson, cho rằng những gì đang diễn ra trên thực tế đã là một hành động xâm lược của Nga nhằm vào Ukraine.
Giữ quan điểm thận trọng hơn, các quan chức Liên minh châu Âu cũng cho biết đang xem xét các lệnh trừng phạt đối với Nga nhưng cần cân nhắc mức độ và quy mô phù hợp với các diễn biến hiện nay.
Phát biểu tại thủ đô Paris sáng 22/2 khi đến tham dự Diễn đàn về hợp tác tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, Cao ủy phụ trách đối ngoại và an ninh của EU, ông Josep Borrell cho rằng những gì đang diễn ra ở miền Đông Ukraine chưa phải là một cuộc tấn công toàn diện của Nga nhằm vào Ukraine nên EU sẽ phải cân nhắc các trừng phạt tương xứng với các hành động từ phía Nga. EU sẽ triệu tập cuộc họp khẩn của các Ngoại trưởng EU ngay tại thủ đô Paris trong đầu giờ chiều 22/2 để thảo luận về tình hình Ukraine.
Hiện tại, trong nội bộ EU đang có những mâu thuẫn lớn giữa một bên là các quốc gia ở Baltic hay Đông Âu muốn EU ngay lập tức áp dụng toàn bộ gói trừng phạt lớn nhằm vào Nga với một bên là các nước như Pháp-Đức muốn EU hành động thận trọng do lo ngại các trừng phạt quy mô lớn đưa ra quá sớm sẽ càng khiến tình hình ở Ukraine leo thang nguy hiểm hơn. Trong sáng ngày 22/2, Đại sứ 27 quốc gia EU tại Brussels đã có cuộc họp trù bị nhằm nắm bắt tình hình và thống nhất các biện pháp trừng phạt cụ thể để trình lên Ngoại trưởng các nước EU quyết định trong chiều 22/03.
Phát biểu với báo chí Bỉ, Ủy viên phụ trách tư pháp của EU, ông Didier Reynders cho biết, các biện pháp trừng phạt ban đầu có thể bao gồm việc cấm đi lại trong lãnh thổ EU với một số cá nhân Nga, tiếp theo có thể là việc tịch thu và đóng băng tài sản của cá nhân này. Các mức độ trừng phạt cao hơn như chấm dứt việc nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ từ Nga hay loại Nga khỏi hệ thống tài chính quốc tế sẽ được xem xét tùy vào diễn biến trong những ngày tới tại Ukraine.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas Greenfield cũng cho biết sẽ công bố lệnh trừng phạt Nga ngay trong ngày 22/2 (theo giờ Mỹ) sau khi tham khảo ý kiến đồng minh.
Đáp lại những chỉ trích của các nước phương Tây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, việc công nhận độc lập cho Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng không ảnh hưởng đến việc Nga sẵn sàng đàm phán với Mỹ.
Trước những thông tin về quân đội Nga đã vào 2 nước cộng hòa tự xưng ở miền Đông Ukraine theo sắc lệnh của Tổng thống Putin, quân đội Ukraine cho biết, 2 binh sĩ nước này đã thiệt mạng và 12 người bị thương trong các cuộc pháo kích của phe ly khai ở miền Đông trong 24 giờ qua. Đây là con số thương vong nhiều nhất trong năm nay trong bối cảnh các vụ vi phạm lệnh ngừng bắn gia tăng./.