Tuyên bố này được đưa ra chỉ chưa đầy 2 tháng trước thời hạn chót đặt ra cho các đồng minh châu Âu, về việc sửa đổi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Đây được xem là câu trả lời cho những nỗ lực của châu Âu thời gian vừa qua nhằm duy trì văn kiện lịch sử đạt được năm 2015 này, từng được xem là điểm sáng của một Trung Đông quá nhiều bất ổn trong những năm vừa qua.

trump_uxbn.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra tối hậu thư cho các đồng minh châu Âu phải sửa chữa “những sai lầm khủng khiếp” của văn kiện được ký dưới thời người tiện nhiệm Barack Obama. Ảnh: Hindustan

Phát biểu ngày hôm qua tại thủ đô Washington, Mỹ, ông Brian Hook, một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ  chịu trách nhiệm đàm phán với các đối tác châu Âu khẳng định đã có các cuộc thảo luận xây dựng với Anh, Pháp và Đức về thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 về chương trình hạt nhân của Iran.

Giống như  phong cách ngoại giao thường thấy của Mỹ, ông này mặt khác cũng cảnh báo, hiện tại không thể khẳng định liệu các bên có thể đi tới thỏa thuận hay không và Mỹ đang soạn thảo một kế hoạch B trong trường hợp đàm phán thất bại.

Trước đó, hôm 12/01, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lần thứ 3 kể từ khi chính thức bước chân vào Nhà Trắng đã đồng ý gia hạn việc tạm ngưng các lệnh trừng phạt kinh tế chống Iran, đồng thời ra tối hậu thư cho các đồng minh châu Âu phải sửa chữa “những sai lầm khủng khiếp” của văn kiện được ký dưới thời người tiện nhiệm Barack Obama.

Nếu Mỹ và châu Âu không thống nhất được việc sửa đổi trong vòng 120 ngày, tức là tới ngày 12/05, Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận. Nhà ngoại giao Mỹ cũng nêu ra 3 điểm bất hợp lý trong văn kiện giải thích cho sự phản đối của Mỹ, đó là sự hạn chế về thời gian, cũng như việc bỏ qua vấn đề của các vụ thử tên lửa đạn đạo và sự thanh sát của Liên hợp quốc đối với các cơ sở hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là ông này lại không nêu rõ điều kiện mà Mỹ muốn trao đổi với các đối tác châu Âu, song lại thông báo về cuộc gặp giữa các đại diện Mỹ và Iran hồi tuần trước tại Viên.

Tại cuộc gặp, Mỹ đã đề cập vấn đề công dân Mỹ bị bắt giữ tại Iran và yêu cầu thả tự do cho những người này. Các phái viên Iran, dù khẳng định đây là vấn đề thuộc về lĩnh vực luật pháp, song cũng để ngỏ khả năng đồng ý khi nhấn mạnh về mặt nhân đạo, thì điều này là có thể. Về phần mình Iran cũng mong muốn Mỹ thả tự do cho những người Iran đang bị giam giữ tại nước này.

Cùng với Mỹ, Nga và Trung Quốc, Đức, Pháp và Anh cũng là những nước tham gia ký kết thỏa thuận với Iran hồi năm 2015 tại Vienna (Áo). Có thể nói, lập trường ngược dòng của đồng minh Mỹ, đã đặt Anh, Pháp và Đức vào thế khó. Dù quyết tâm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran, song những nước này lại cũng tuyên bố chia sẻ những lo ngại của Mỹ về chương trình tên lửa đạn đạo của Iran.

Trong một bước đi được xem là nhằm làm hài lòng Mỹ, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 21/3 hối thúc Liên minh châu Âu (EU) thảo luận về vai trò của Iran tại Syria và Yemen, cũng như chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.

“Chúng tôi quyết tâm đảm bảo thỏa thuận hạt nhân đạt được tại Viên, Áo được tôn trọng. Chúng ta cần hành động mạnh mẽ vì mục tiêu này, song cũng không thể loại trừ trách  nhiệm của Iran trong việc phổ biến các tên lửa đạn đạo và vai trò của nước này tại Trung Đông”, ông Le Drian nói.

Tuy nhiên, trong một phản ứng khá mạnh mẽ, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran, ông Ali Shamkhani tuyên bố Iran sẽ không chấp nhận bất kỳ thay đổi nào đối với thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Theo ông, nỗ lực của EU đưa ra bất kỳ biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Iran để nhượng bộ chính quyền Mỹ sẽ là một “sai lầm lớn”, ảnh hưởng trực tiếp tới thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1.

Trong khi đó, một số nhà phân tích cho rằng, khả năng Mỹ rút khỏi thỏa thuận là hoàn toàn có thể. Nếu như trước đây, ông không thể đụng đến thỏa thuận này là vì 2 lý do, thứ nhất là sự không đồng tình của Liên minh châu Âu trong vấn đề này và thứ hai cuộc khủng hoảng hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên khi ấy đang ở cao trào.

Nay cả hai trở ngại trên đều đang có xu hướng được giải tỏa và đây cũng có thể là kịch bản B mà Mỹ đang nhắc tới, một chiến lược gây sức ép tối đa với Iran giống như đã làm với Triều Tiên. Nhưng một điều chắc chắn là những kịch bản “không mong muốn” có thể đẩy quan hệ giữa Iran và phương Tây trở nên tồi tệ hơn cả thời kỳ ông Mahmoud Ahmadinejad theo đường lối bảo thủ làm Tổng thống Iran (2005-2013)./.