Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 13/03 đột ngột thông báo quyết định bãi nhiệm ông Rex Tillerson khỏi vị trí Ngoại trưởng Mỹ và đề cử Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo vào vị trí này. Việc bổ nhiệm ông Pompeo, người được cho là có quan điểm khá cứng rắn với vấn đề hạt nhân Iran, vào vị trí người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ có thể phủ bóng lên thỏa thuận hạt nhân Iran mà Tổng thống Donald Trump gọi là “tồi tệ nhất “ từ trước đến nay.

tillerson_pompeo_gmfn.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/3 thông báo quyết định bãi nhiệm ông Rex Tillerson khỏi vị trí Ngoại trưởng Mỹ và đề cử Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo vào vị trí này. Ảnh: New York Post

Tổng thống Donald Trump là người có lập trường cứng rắn đối với thỏa thuận hạt nhân Iran. Tháng 1/2018, ông đã ra thời hạn 120 ngày để các nghị sĩ Mỹ và đồng minh châu Âu tìm cách "sửa đổi" nội dung nếu không Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận.

Với việc chọn ông Pompeo vào vị trí Ngoại trưởng,  có một bầu không khí khá lo ngại tại châu Âu rằng quyết định này có thể khiến những nỗ lực cứu vãn Thỏa thuận gặp nhiều thách thức hơn.

Trái ngược với người tiền nhiệm Rex Tillerson, ông Pompeo có chung quan điểm với Tổng thống Donald Trump về vấn đề hạt nhân của Iran. Ông Pompeo là một trong hai nghị sỹ phản đối mạnh mẽ thoả thuận của chính quyền thời cựu Tổng thống Barak Obama với Iran về hạn chế chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy việc được nới lỏng các lệnh trừng phạt.  

Ông Pompeo cũng từng nhiều lần thể hiện lập trường cứng rắn liên quan tới Iran cũng như thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA).

Trong phát biểu nêu lí do sa thải Ngoại trưởng Rex Tillerson, Tổng thống Donald Trump cũng nhấn mạnh: “Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và tôi đã nói về vấn đề này thời gian dài nhưng chúng tôi vẫn còn tồn tại một số bất đồng. Khi xem xét thỏa thuận hạt nhân Iran, tôi nghĩ rằng đây là một thỏa thuận tồi còn ông ấy thì cho rằng chấp nhận được. Tôi muốn hủy bỏ hay làm một điều gì đó đối với Thỏa thuận này. Tuy nhiên ông Tillerson có cách tiếp cận khác. Với ông Pompeo, chúng tôi có đồng suy nghĩ và tôi nghĩ mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn”.

Với sự hợp tác của ông Pompeo, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có một cánh tay đắc lực trong việc thực hiện kế hoạch của mình, tiếp tục huy động cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các cường quốc châu Âu chống lại Iran.

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi ngày 14/3 cũng nhận định, việc Mỹ cách chức Ngoại trưởng Rex Tillerson cho thấy "quyết tâm" của nước này rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. 

Một số người cho rằng, Mỹ có thể đưa ra lập trường cứng rắn hơn dưới thời ông Pompeo và  các cường quốc là Anh, Pháp Đức sẽ phải đối mặt với sức ép nhượng bộ. Các quan chức Mỹ, Anh, Pháp, Đức dự kiến có cuộc họp tại Berlin vào hôm nay để thảo luận về tương lai thỏa thuận hạt nhân Iran. 

Mặc dù vậy, vẫn có những ý kiến lạc quan khi cho rằng, ông Pompeo luôn lên tiếng chỉ trích gay gắt thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng có thể ông cũng không muốn hủy bỏ hoàn toàn thỏa thuận này. Quan điểm của ông Pompeo cũng cởi mở hơn và có thể sẽ thực hiện vai trò của mình tốt hơn ông Tillerson trong việc thuyết phục Tổng thống Donald Trump tiếp tục giữ thỏa thuận này.

Trong bối cảnh hiện nay, việc xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran sau nhiều năm đàm phán cũng được cho là ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và độ tin cậy của Mỹ trong bối cảnh dư luận đang quan tâm đặc biệt đến các cuộc đối thoại Mỹ- Triều sắp diễn ra./.