Hãng tinAPdẫn nguồn tin từ chính quyền Washington ngày 20/8 cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cử một đội đặc nhiệm đến Syria hồi mùa hè vừa qua để thực hiện nhiệm vụ giải cứu các con tin Mỹ bị các tay súng của Nhà nước Hồi giáo (IS) bắt giữ, trong đó có cả nhà báo James Foley – người vừa bị các phần tử cực đoan chặt đầu.

foley_tlvw.jpgNỗi đau của cha mẹ nhà báo James Foley (Ảnh: AP)

Các quan chức Mỹ cho biết, sứ mệnh giải cứu được trao cho cơ quan tình báo khi phía Mỹ tin rằng họ đã xác định được vị trí giam giữ con tin trong lãnh thổ Syria. Tuy nhiên, khi hàng chục lính biệt kích Mỹ nhảy dù xuống khu vực tình nghi, giao tranh nổ ra ác liệt, một số tay súng của IS bị tiêu diệt nhưng tung tích của các con tin vẫn “bặt vô âm tín”.

Lisa Monaco, cố vấn cấp cao về vấn đề chống khủng bố của Tổng thống Obama cho hay: “Chính phủ Mỹ có những gì chúng tôi tin là đủ để thực hiện một chiến dịch giải cứu. Tổng thống đã ủy nhiệm cho Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ giải cứu các công dân của chúng tôi. Thật không may, sứ mệnh ấy cuối cùng không thành công vì các con tin không có mặt ở đó”.

Chính quyền Mỹ tiết lộ về kế hoạch giải cứu nói trên chỉ một ngày sau khi IS phát tán một đoạn video ghi lại cảnh chặt đầu nhà báo Foley đồng thời đưa ra lời đe dọa hành hình con tin thứ hai, Steven Sotloff nếu Mỹ không ngừng ngay việc chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan ở Iraq.

Bất chấp lời đe dọa của IS, ngày hôm qua (20/8) Mỹ đã phát động các cuộc không kích mới nhằm vào các mục tiêu của IS ở Syria. Chính quyền Tổng thống Obama không loại trừ khả năng tiến hành một hành động can thiệp quân sự ở Syria để buộc những kẻ gây ra cái chết của nhà báo Foley phải chịu trách nhiệm trước công lý.

Việc công bố sứ mệnh giải cứu các con tin cũng là lần đầu tiên Mỹ thừa nhận việc các nhân viên quân sự của nước này hiện diện trên lãnh thổ Syria kể từ khi cuộc nội chiến đẫm máu xảy ra ở quốc gia này hơn 3 năm trước.

Năm ngoái, Tổng thống Mỹ quyết định không can thiệp quân sự vào Syria, cách tiếp cận được đánh giá là thận trọng của ông Obama giờ đây được cho là cái cớ để một bộ phận chỉ trích cho rằng việc Tổng thống không hành động đã tạo điều kiện cho IS mở rộng sức mạnh không chỉ bên trong lãnh thổ Syria mà còn vươn “vòi bạch tuộc” qua biên giới sang Iraq.

Để trấn an dư luận, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Chuẩn đô đốc John Kirby có phát biểu cho hay: “Như chúng tôi đã nói nhiều lần, Chính phủ Mỹ cam kết đảm bảo an toàn và phúc lợi của người dân, đặc biệt là những người bị giam cầm. Trong trường hợp này, quân đội Mỹ đưa ra những phương án tốt nhất để có thể giải cứu công dân của mình, đưa họ trở về nhà”.

Ông Kirby nói thêm: “Chính phủ Mỹ sử dụng toàn bộ những gì có thể như sức mạnh quân đội, thông tin tình báo cũng như tiến hành đàm phán ngoại giao để đưa tất cả mọi người về nhà bất cứ khi nào chúng tôi có thể. Mỹ không tha thứ cho các vụ bắt cóc công dân của chúng tôi và sẽ làm việc cật lực để đảm bảo an toàn cho người Mỹ, buộc những kẻ gây ra tội ác phải chịu trách nhiệm”.

Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu lính đặc nhiệm Mỹ đã tham gia chiến dịch giải cứu con tin ở Syria. Các quan chức Mỹ cũng không cung cấp về con số chính xác những con tin bị bắt giữ nhưng một nguồn tin giấu tên tiết lộ, Foley là một trong số ít nhất 4 công dân Mỹ bị bắt cóc tại Syria./.