Mỹ trừng phạt Saudi Arabia?

Ngày 23/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích gay gắt Saudi Arabia về cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi trong bối cảnh Mỹ đang từng bước áp dụng các biện pháp trừng phạt vương quốc này.

tr_ppfm.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty

Phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng, ông Trump chỉ trích cuộc tấn công gây nên cái chết của nhà báo Saudi Arabia là "vụ che đậy tồi tệ nhất" trong lịch sử và khẳng định bất cứ ai đứng đằng sau việc này đều sẽ "gặp rắc rối lớn".

"Họ đã có một kịch bản ban đầu vô cùng tồi tệ. Nó được thực hiện cũng rất tệ và đây là một trong những vụ che đậy tồi tệ nhất trong lịch sử", ông Trump nhận định.

Tổng thống Trump cũng chỉ trích toàn bộ cuộc tấn công của Saudi Arabia rằng: "Tôi cho rằng họ lẽ ra không bao giờ nên nghĩ về điều này. Khi họ nghĩ về nó, mọi chuyện đều trở nên sai lầm. Lẽ ra điều này không nên xảy ra. Lẽ ra nó không nên được thực hiện. Lẽ ra không nên có bất kỳ một vụ giết người hay một sự che đậy nào".

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đưa ra các bình luận sau những lời tuyên bố của ông Trump, rằng Mỹ đang thu hồi thị thực của một số quan chức Saudi Arabia được cho là liên quan đến cái chết của ông Khashoggi. Ông cũng cho biết Mỹ đang cân nhắc đến các lệnh trừng phạt đối với những kẻ vi phạm nhân quyền như Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đề xuất.

"Các biện pháp trừng phạt không phải là giải pháp cuối cùng trong vấn đề này từ phía Mỹ. Chúng tôi muốn khẳng định rõ ràng rằng Mỹ không chấp nhận bất kỳ hành động thô bạo nào nhằm "bịt miệng" ông Khashoggi - một nhà báo, bằng bạo lực".

Ông Pompeo không cung cấp thêm thông tin gì về việc thu hồi thị thực cũng như có bao nhiêu thị thực của các quan chức Saudi Arabia sẽ bị thu hồi.

Các hành động này là những bước đi đầu tiên của Mỹ trong việc trừng phạt Saudi Arabia về cái chết của nhà báo Khashoggi - người bị giết trong Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2/10.

Các tuyên bố của Mỹ được đưa ra sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan phản đối mạnh mẽ các điều tra của phía Saudi Arabia về vụ việc liên quan đến nhà báo Khasoggi, đồng thời khẳng định rằng nhà báo bất đồng chính kiến này đã bị giết hại trong một cuộc tấn công "dã man" đã được lên kế hoạch từ trước bởi những quan chức hàng đầu Saudi Arabia.

"Không có ai mong muốn những điều đã xảy ra cả", ông Trump nói về phản ứng của các nhà lãnh đạo thế giới.

Tổng thống Mỹ cũng thể hiện những ngần ngại trong việc trừng phạt Saudi Arabia, quốc gia vốn là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Trump ở Trung Đông.

Ông Trump cho biết ông sẽ đưa ra tuyên bố cuối cùng về việc ai là người chịu trách nhiệm cho cái chết của ông Khashoggi sau khi Giám đốc CIA Gina Haspel và các quan chức khác của Mỹ trở về từ Thổ Nhĩ Kỳ sau khi đã xem xét các bằng chứng về vụ việc.

Những lợi ích chiến lược không dễ bị phá bỏ

Tổng thống Trump cũng nhấn mạnh, ông vẫn giữ nguyên quan điểm sẽ không chấm dứt việc buôn bán vũ khí với Saudi Arabia.

"Tôi phải nói rằng Nga và Trung Quốc sẽ thích một đơn hàng quân sự như vậy. Nếu chúng tôi làm vậy (dừng buôn bán vũ khí với Saudi Arabia - ND), chúng tôi chỉ đang tự làm tổn hại bản thân mình".

Ông Pompeo cũng khẳng định rằng Washington vẫn tiếp tục duy trì quan hệ rộng rãi với Riyadh thậm chí cả khi Mỹ tuyên bố trừng phạt Saudi Arabia.

"Chúng tôi tiếp tục duy trì mối quan hệ đối tác mạnh mẽ với vương quốc Saudi Arabia. Cả Tổng thống và tôi đều không vui vẻ gì với tình huống này. Nhưng lợi ích chiến lược chung của chúng tôi với Saudi Arabia vẫn sẽ tiếp tục duy trì", ông Pompeo cho biết.

Các nhà lập pháp của cả hai Đảng trong Quốc hội Mỹ đều thể hiện sự ủng hộ với việc trừng phạt Saudi Arabia trong vụ việc nhà báo Khashoggi. Một số người thậm chí đã đề nghị loại bỏ Thái tử Mohammed bin Salman khỏi thứ tự thừa kế nếu ông đứng đằng sau vụ việc này.

"Tôi hy vọng là nếu vụ việc liên quan đến thái tử MBS, quyết định về người thừa kế sẽ lãnh đạo đất nước cần được thay đổi. Đó không phải là quyết định của chúng ta mà là của họ", Thượng nghị sĩ Rob Portman khẳng định với CNN.

Các thành viên trong Quốc hội cũng từng thể hiện sự giận dữ và không hài lòng với cách xử lý của ông Trump trong vụ việc này.

Tổng thống Trump ban đầu chấp nhận lời giải thích của Saudi Arabia rằng ông Khashoggi đã thiệt mạng trong một vụ ẩu đả với các quan chức trong lãnh sự quán Saudi Arabia, thậm chí cả khi lời giải thích này bị các nhà lập pháp Mỹ và các lãnh đạo thế giới bác bỏ. Tuy nhiên, sau đó ông Trump đã khẳng định ngày 22/10 rằng ông "không hài lòng" với lời phản hồi của Saudi Arabia.

Ông Trump ngày càng gặp khó khăn hơn trong việc thể hiện những phản ứng phù hợp, nhất là sau khi Tổng thống Erdogan phát biểu rằng ông hứa sẽ cung cấp "sự thật trần trụi" về cái chết của ông Khashoggi.

Ông Erdogan cho rằng ông Khashoggi là nạn nhân của một "kẻ giết người tàn bạo", liên quan đến các quan chức Saudi Arabia. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách sử dụng các thông tin về cái chết của ông Khashoggi để gia tăng sức ép lên Saudi Arabia và ở một mức độ nào đó, hối thúc ông Trump phải từ chối thẳng thừng các báo cáo về vụ việc của Saudi Arabia.

Các chuyên gia khu vực cũng tin rằng nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng sử dụng ảnh hưởng để thúc đẩy Saudi Arabia cung cấp các hỗ trợ tài chính cho nền kinh tế đang lao dốc của Thổ Nhĩ Kỳ.

Các quan chức Saudi Arabia nhiều lần phủ nhận việc vua Salman và Thái tử Mohammed có liên quan đến cái chết của ông Khashoggi. Tuy nhiên, các chuyên gia khu vực và các nhà lập pháp Mỹ vẫn hoài nghi về việc cuộc tấn công đã được tiến hành mà không có sự cho phép của Thái tử Saudi Arabia./.