Trong cuộc họp, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cùng với các thành viên Nội các đã đưa ra quyết định trên và nhấn mạnh việc xả nước thải đã qua xử lý là một vấn đề tất yếu trong quá trình phá dỡ Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1, đồng thời cam kết nỗ lực hết sức để đảm bảo nước thải này ở mức an toàn. Theo chính phủ Nhật Bản, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và các bên thứ ba sẽ cùng tham gia để đảm bảo tính minh bạch của kế hoạch.

Việc xả nước sẽ được khởi động trong vòng 2 năm, và toàn bộ quá trình sẽ kéo dài nhiều thập niên. Nước cần được lọc một lần nữa để loại bỏ các đồng vị có hại và sẽ được pha loãng để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế trước khi xả ra biển. Sau thảm họa kép năm 2011, nước được bơm vào các lò phản ứng đã bị hư hại tại Nhà máy Điện hạt nhân để làm mát các thanh nhiên liệu. Cùng với nước mưa và nước ngầm bị nhiễm xạ, nước thải sau quá trình làm mát ở các lò phản ứng được xử lý bằng Hệ thống Xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS). Hiện khối lượng nước tại đây đã hơn 1,25 triệu tấn và chuẩn bị hết chỗ chứa.

Trước sự việc trên, Mỹ đã thể hiện sự “thông cảm” khi Bộ Ngoại giao nước này cho hay, Nhật Bản đã minh bạch khi đưa ra quyết định và dường như đã thông qua một cách tiếp cận phù hợp với những tiêu chuẩn an toàn hạt nhân được toàn cầu chấp nhận. Mỹ mong đợi sự phối hợp và liên lạc liên tục của Nhật Bản trong việc giám sát tính hiệu quả phương thức này.

Trái lại, ngay lập tức, chính phủ Hàn Quốc đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp giữa các bộ ngành liên quan thảo luận về những biện pháp ứng phó với quyết định này của Nhật Bản. Hàn Quốc bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc ” và lo ngại về mức độ tiềm ẩn của các chất phóng xạ ô nhiễm có thể gây ra tác động trực tiếp và gián tiếp đến sự an toàn của người dân và môi trường xung quanh và kêu gọi Nhật Bản cung cấp thêm thông tin về việc xả nước theo kế hoạch và cho biết họ sẽ đẩy mạnh việc đo đạc và giám sát.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” khi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên kêu gọi Nhật Bản tiếp cận có trách nhiệm và thận trọng đối với vấn đề nước đã qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima để bảo vệ lợi ích chung của quốc tế và sức khỏe, sự an toàn của người dân Trung Quốc.

Trước đó, vào hôm 13/4, 311 nhóm môi trường từ 24 quốc gia trên thế giới, bao gồm các nhóm môi trường ở Hàn Quốc như Liên đoàn Phong trào Môi trường, Liên minh Xanh và Trung tâm Giám sát Phóng xạ của Công dân đã gửi một kháng nghị thư với tiêu đề “Không thải nước bị ô nhiễm từ Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Số 1 vào đại dương” tới Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản. Bức thư đã được ký bởi khoảng 65.000 công dân từ khắp nơi trên thế giới./.