Đài NHKcủa Nhật Bản ngày hôm nay cho biết, ông Kim Chang Son, Chánh văn phòng của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã dẫn đầu phái đoàn Triều Tiên đáp máy bay qua Bắc Kinh để tới Singapore trong đêm 28/5.

trump_kim_rzqv.jpg
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

Cùng thời điểm đó, một nhóm quan chức Chính phủ Mỹ,  trong đó có Phó Chánh văn phòng Nhà Trắng Joe Hagin, đã rời căn cứ không quân Yokota của Mỹ ở Nhật Bản để tới Singapore.

Nhà Trắng cũng đã xác nhận một nhóm quan chức "cấp cao" đang tới Singapore để gặp các quan chức Triều Tiên. Dự kiến hai bên sẽ thảo luận chi tiết các vấn đề liên quan tới thời gian và địa điểm cụ thể, lễ tân và an ninh của cuộc gặp thượng đỉnh.

Các cuộc đàm phán theo kế hoạch tại Singapore đang diễn ra song song với các cuộc tham vấn độc lập tại làng biên giới liên Triều Bàn Môn Điếm. Tại Bàn Môn Điếm, 2 phía được cho là đã thảo luận các phương pháp và lịch trình phi hạt nhân hóa, cũng như các cách để bảo đảm an ninh của Triều Tiên.

Các đoàn đàm phán do cựu Đại sứ Mỹ tại Triều Tiên Sung Kim - người từng là trưởng đặc phái viên về hạt nhân của Mỹ và Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui dẫn đầu.

Hiện vẫn chưa rõ 2 bên đã đạt được tiến triển ra sao trong các nỗ lực nhằm thu hẹp khoảng cách về phương pháp phi hạt nhân hóa. Mỹ đã kêu gọi cách tiếp cận phi hạt nhân hóa nhanh, nghiêm ngặt để ngăn Triều Tiên kéo dài đàm phán và đòi hỏi những lợi ích không thích đáng. Triều Tiên lại ủng hộ giảm dần chương trình hạt nhân của nước này, đổi lấy các lợi ích trong quá trình đó.

Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Susan Thornton cho biết: “Những gì tôi muốn nói, chắc chắn việc ưu tiên là phi hạt nhân hóa bởi vì đây là mục tiêu chúng tôi đã đặt ra. Tất nhiên, tất cả những việc này là cần phải thảo luận với Triều Tiên và cuối cùng phải được giải quyết”.

Giới phân tích đánh giá, mặc dù có những dấu hiệu lạc quan, nhưng Mỹ và Triều Tiên có thể còn nhiều vướng mắc trong kế hoạch phi hạt nhân hóa. Hãng tin Kyodo News dẫn các nguồn tin cho biết, quan chức 2 nước đang bàn vấn đề chuyển đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên ra nước ngoài.

Triều Tiên được cho là khá chần chừ trước yêu cầu của Mỹ. Theo một quan chức Mỹ yêu cầu giấu tên, nhiều khả năng Triều Tiên sẽ đề nghị chuyển trước một số loại tên lửa chiến lược, chứ chưa sẵn lòng giao tất cả vũ khí hạt nhân cho phương Tây. Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên nhấn mạnh, nước này sẽ giải trừ vũ khí hạt nhân theo lịch trình của riêng mình.

Rõ ràng, một cuộc đối thoại trực tiếp giữa nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên là điều cần thiết để hai bên hóa giải những bất đồng một cách thẳng thắn, đồng thời là cơ hội duy nhất để hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Để đạt được điều đó đòi hỏi cả Mỹ và Triều Tiên cần sẵn sàng gạt bỏ những nghi kỵ lẫn bất đồng, cùng nhau xây dựng lòng tin để hướng tới mục đích phi hạt nhân hóa, qua đó mang lại nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên"./.