Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh các quan chức Mỹ đang tìm cách triển khai công tác chuẩn bị cho cuộc gặp Thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Kim Jong-un.

gettyimages_6640387481_qmqq.jpg
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: Getty.

Phát biểu trong cuộc gặp các cố vấn cấp cao tại Nhà Xanh, ông Moon Jae-in khẳng định: “Điều quan trọng là kể từ Hội nghị Thượng đỉnh Liên Triều vào tháng trước, các nhà lãnh đạo bây giờ đã dễ dàng liên lạc, dễ dàng đưa ra một cuộc hẹn và việc thảo luận các vấn đề khẩn cấp cũng ít gặp khó khăn hơn, không cần nhiều thủ tục phức tạp”.

Trước đó hôm 28/5, một quan chức tại Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho hay, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và sẽ cùng Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên tham dự hội nghị 3 bên Mỹ-Hàn-Triều tại Singapore vào ngày 12/6 tới. Quan chức trên dẫn lời Tổng thống Hàn Quốc trong buổi họp báo ngày 27/5 nhấn mạnh: “Hy vọng Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ thành công. Bên cạnh đó tôi cũng mong muốn nhìn thấy các nỗ lực chấm dứt chiến tranh Triều Tiên thông qua một Hội nghị Thượng đỉnh 3 bên”.

Theo Tổng thống Moon Jae-in, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, phía Triều Tiên vẫn bày tỏ lo ngại về việc liệu Mỹ sẽ đảm bảo an ninh cho Triều Tiên hay không một khi nước này thực hiện cam kết đưa ra.

Đề xuất tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh 3 bên được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đưa ra khi 2 người có cuộc họp đầu tiên tại Bàn Môn Điếm hôm 27/4. Các chuyên gia cho biết, cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều mong muốn ông Moon Jae-in sẽ tham gia cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Washington và  Bình Nhưỡng để đẩy nhanh tiến trình đàm phán nhằm thiết lập một Hiệp ước Hòa bình, tuy nhiên Tổng thống Donald Trump có lẽ không hoan nghênh khả năng này.

Thời báo Tài chính (FT) dẫn lời ông Shin Beom-chul, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Chính sách Asan nhận định: “Khả năng diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh 3 bên là rất thấp. Ông Moon Jae-in muốn tham gia đàm phán cùng với Kim Jong-un và Donald Trump để nhanh chóng tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên và thay thế Hiệp định Đình chiến bằng Hiệp ước Hòa bình. Song Tổng thống Donald Trump sẽ không thích ý tưởng này bởi ông chưa muốn Hàn Quốc và Triều Tiên ký kết Hiệp ước Hòa bình trước khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn”.

Theo Reuters, Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng  Shinzo Abe đã có cuộc điện đàm vào hôm 28/5 và xác nhận hai bên sẽ có cuộc gặp trước khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra. Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản cũng tái khẳng định quan điểm chung về giải trừ vĩnh viễn và hoàn toàn chương trình hạt nhân và chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Trong khi đó, hãng thông tấn Kyodo trích dẫn lời Thủ tướng Abe cho biết, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí hợp tác để giúp cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên trở nên đạt hiệu quả tích cực.

Mâu thuẫn khó hóa giải

Mặc dù cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đều mong chờ sớm xúc tiến Hội nghị Thượng đỉnh, nhưng giữa các bên vẫn tồn tại cách hiểu khác nhau về vấn đề phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên. Trong tuyên bố đưa ra hôm 27/5, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh, ông hiểu rằng cả Hàn Quốc lẫn Triều Tiên đều có những quan điểm khác nhau về định nghĩa phi hạt nhân hóa và cách tốt nhất là hai bên cần tổ chức cuộc đối thoại cấp chuyên viên để thu hẹp bất đồng.

Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, phái đoàn của Mỹ, trong đó có cựu Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Sung Kim, quan chức Nhà Trắng Randall Schriver và chuyên gia về Triều Tiên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Allison Hooker đã gặp đoàn đại diện Triều Tiên do ông Choe Son Hui, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên dẫn đầu, tại khu vực biên giới liên Triều.

Nhận xét về cuộc gặp này, hãng tin Reuters dẫn lời ông Abraham Denmark, cựu Thứ trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á cho biết: “Việc cử một đội ngũ các đặc phái viên chuyên nghiệm và giàu kinh nghiệm cho thấy chính quyền Tổng thống Donald Trump quan tâm một cách nghiêm túc tới các chi tiết cụ thể của một thỏa thuận tiềm năng với Triều Tiên. Dẫu vậy, phía Mỹ cũng khó có thể gạt bỏ được rào cản lớn nhất đó là Triều Tiên luôn tự coi nước này là một quốc gia hạt nhân”.

Trước đó vào hôm 23/5, phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng, số phận Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều phụ thuộc trước nhất vào nhà lãnh đạo Kim Jong-un. “Ông ấy đã yêu cầu cuộc gặp và Tổng thống đã đồng ý gặp. Tôi rất hy vọng cuộc gặp sẽ diễn ra”.

Tại các cuộc đàm phán trước đây, Triều Tiên nhiều lần tuyên bố nước này chỉ xem xét từ bỏ chương trình hạt nhân khi nào Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc và rút lại chiếc “ô hạt nhân” mà Mỹ cho là để bảo vệ các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc.

Hiện nay, cả Mỹ và Triều Tiên đều muốn giành thế thượng phong trong cuộc đàm phán. Dù đều bày tỏ mong muốn sự kiện lịch sử này diễn ra nhưng các bên vẫn liên tục “nắn gân” và “thăm dò” lẫn nhau. Giáo sư Shin Beom-chul, tại Học viện Ngoại giao Hàn Quốc cho rằng, người nắm giữ vai trò hóa giải bất đồng giữa Mỹ và Triều Tiên hiện giờ không ai khác chính là Tổng thống Hàn Quốc. Theo ông Shin Beom-chul, rất khó để Triều Tiên tham gia đàm phán nếu nước này bị yêu cầu phải từ bỏ chương trình hạt nhân ngay lập tức. Tuy nhiên về lâu về dài các bên có thể đưa ra đề xuất đàm phán với những điều khoản hướng Triều Tiên đến phi hạt nhân hóa./.