Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố, Mỹ sẽ đưa ra biện pháp "đáp trả" thích đáng, trong khi Bộ Ngoại giao Triều Tiên cũng cảnh báo về “những hậu quả nghiêm trọng” nếu Mỹ tiếp tục có những cáo buộc chống lại nước này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho rằng, sẽ là hậu quả nghiêm trọng nếu Mỹ từ chối các cuộc điều tra chung và tiếp tục đưa ra những cáo buộc nhằm vào nước này.
Triều Tiên cũng tuyên bố sẽ tăng cường “sức mạnh hạt nhân” để đối phó với chính sách thù địch của chính quyền Mỹ. Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Ja Song-nam trước đó cũng cáo buộc chính sách thù địch của Mỹ với mục tiêu nhằm xâm lược Triều Tiên dưới chiêu bài nhân quyền đã trở nên rõ ràng, ý tưởng về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên tự thân nó đã không còn giá trị. Nỗ lực của Triều Tiên là nhằm tăng cường tiềm lực quốc phòng, trong đó có cả sức mạnh hạt nhân sẽ được tăng cường gấp đôi bằng mọi cách.
Đại sứ Ja Song-nam nói: “Nghị quyết của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc lên án nhân quyền tại Triều Tiên đã một lần nữa chứng minh được rằng Mỹ và các đồng minh đang cố gắng bôi nhọ hình ảnh của Triều Tiên với những bản báo cáo về nhân quyền. Người dân Triều Tiên sẽ tiếp tục đoàn kết và hợp tác để đối phó với những mối đe dọa nguy hiểm này”.
Tuyên bố của Triều Tiên đưa ra sau khi Cục điều tra liên bang Mỹ (CIA) cho biết có đầy đủ bằng chứng cho thấy Triều Tiên đứng sau vụ tấn công mạng nhằm vào hãng phim Sony, trong bối cảnh hãng phim này quyết định hủy công chiếu bộ phim hài gây tranh cãi.
Hãng phim Sony đã hủy công chiếu một bộ phim giả tưởng có tựa đề "The Interview” (Cuộc phỏng vấn) với nội dung về một vụ ám sát nhằm vào nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong- un.
Tổng thống Mỹ Obama cảnh báo Mỹ sẽ "đáp trả" thích đáng vụ tấn công này. Ông Obama khẳng định: “Vụ tấn công mạng này đang gây rất nhiều tổn thất và chúng tôi sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả. Mỹ sẽ đáp trả thích đáng theo các bước đi trình tự mà chúng tôi lựa chọn. Vì vậy tôi sẽ chưa thể công bố cụ thể sớm các biện pháp đáp trả này”.
Mỹ cho biết sẽ tham vấn với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga để điều tra vụ việc. Đây là lần đầu tiên Mỹ trực tiếp cáo buộc một nước khác tiến hành một vụ tấn công mạng có qui mô lớn như vậy trên lãnh thổ Mỹ và có khả năng tạo ra sự đối đầu căng thẳng mới giữa Mỹ và Triều Tiên.
Những căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên gia tăng sau những bước đi được coi là tích cực từ phía Triều Tiên khi nước này thả hai công dân Mỹ bị bắt giữ.
Mỹ sau đó cũng nhấn mạnh đến khả năng đối thoại trực tiếp với Triều Tiên để cải thiện quan hệ song phương. Bất chấp những cảnh báo mạnh mẽ của Tổng thống Obama sau vụ tấn công mạng này, giới quan sát cho rằng, các lựa chọn để Mỹ đáp trả vụ tấn công nhằm vào Triều Tiên sẽ rất giới hạn.
Những lựa chọn của ông Obama có thể bao gồm trả đũa mạng, trừng phạt tài chính, các bằng chứng chống lại các cá nhân được cho là thực hiện vụ tấn công hay thậm chí là việc tăng cường hỗ trợ quân sự cho Hàn Quốc.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, Mỹ cũng cần phải tính đến những hậu quả khi đưa ra biện pháp phản ứng, vì điều này có thể khiến Triều Tiên leo thang một cuộc chiến tranh mạng cũng như công nghệ hạt nhân- những vũ khí quan trọng của quốc gia này với Mỹ./.