Một vài thông tin công bố những ngày qua cáo buộc, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫn tiếp tục tăng cường sản xuất vũ khí trước cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore ngày 12/6/2018.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại cuộc gặp ngày 9/5/2018. (Ảnh: KCNA) |
Các thông tin trên, trong đó có một số dựa vào hình ảnh vệ tinh, vẫn chưa được xác minh chính thức song cũng đủ đề đặt ra một nhiệm vụ vô cùng khó khăn cho Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khi ông rời Mỹ ngày 5/7 để thăm Bình Nhưỡng nhằm lên chi tiết cho kế hoạch giải giáp hạt nhân Triều Tiên.
“Cuộc gặp lần này [của ông Pompeo ở Bình Nhưỡng – ND] là cực kỳ quan trọng” – Sue Mi Terry, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định. “Ai đó có thể cho rằng Triều Tiên làm tất cả những điều này là nhằm có được sự thỏa hiệp tối đa từ phía Mỹ nếu và khi họ quyết định từ bỏ chương trình hạt nhân. Nhưng ở một thời điểm nào đó, họ phải ngồi xuống và thực sự đưa ra được điều gì đó, có lẽ là vào chuyến đi này. Nhưng tôi nín thở để chờ đợi điều đó”.
Những hồ nghi về Triều Tiên
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cam kết sẽ ngừng các vụ thử hạt nhân song ông không đề cập việc ngừng sản xuất hay cam kết đơn phương giải giáp. Các nhà phân tích quốc phòng Mỹ cho rằng, Triều Tiên vẫn duy trì đến 60 quả bom hạt nhân và rất nhiều tên lửa, trong đó có những loại có thể tấn công vào nước Mỹ.
Trong những tiết lộ gần đây có thông tin mà kênh NBC News dẫn nguồn tin cơ quan tình báo Mỹ cho rằng, Triều Tiên đã tăng cường sản xuất nhiên liệu uranium được làm giàu để chế tạo vũ khí hạt nhân ở nhiều cơ sở bí mật trong những tháng qua. Thông tin này còn cho biết, phía Mỹ nghi ngờ ông Kim Jong-un có thể vẫn tìm cách che giấu các cơ sở đó trong tiến trình đàm phán.
Trang web 38 North chuyên theo dõi Triều Tiên tuần trước đã phân tích ảnh vệ tinh chụp ngay sau Thượng đỉnh Mỹ - Triều, trong đó cho thấy chính quyền của ông Kim Jong-un vẫn tiến hành nâng cấp một cơ sở hạt nhân sản xuất plutonium.
Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury ở Monterey, California, Mỹ, ngày 1/7 cũng công bố một phân tích ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên vừa mở rộng một nhà máy ở thành phố miền đông Hamhung, nơi sản xuất động cơ chính cho tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu cứng. Việc xây dựng được bắt đầu sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un đưa ra cam kết “phi hạt nhân hóa” trong cuộc gặp Thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4 với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. tương tự như lời hứa với ông Trump ngày 12/6.
Nhà máy Hamhung sản xuất động cơ cho các tên lửa dùng nhiên liệu cứng, trong đó có dòng tên lửa Pukguksong. Những tên lửa này là mối quan ngại lớn của quân đội Mỹ vì chúng có thể được ngụy trang che dấu, dễ dàng di chuyển vì dùng nhiên liệu cứng mà lại khó để đánh chặn.Báo Mỹ: Triều Tiên vẫn mở rộng nhà máy sản xuất tên lửa chính
Trung tâm Tình báo Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASIC) cũng nhận định rằng Triều Tiên đã tăng cường sản xuất các bệ phóng tên lửa, trang web The Diplomat đưa tin hôm 30/6.
Mỹ “lùi 2 bước” để “tiến 1 bước”
Nếu những thông tin này là chính xác thì nó cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn còn cách rất xa lời hứa giải giáp vũ khí bất chấp việc đã cam kết “hợp tác hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên” trong cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sớm tuyên bố Triều Tiên “không còn là mối đe dọa hạt nhân nữa”, bất chấp chỉ trích của các chuyên gia kiểm soát vũ khí rằng thỏa thuận Mỹ - Triều thiếu một khuôn khổ thực thi rõ ràng và vẫn không khỏi khiến dư luận hoài nghi về việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ hoàn toàn từ bỏ chương trình hạt nhân.
Mỹ cũng vội vàng đình chỉ các cuộc tập trận chung thường niên với Hàn Quốc mà Triều Tiên coi là mối đe dọa với nước này. Báo Munhwa Ilbo của Hàn Quốc ngày 2/7 đưa tin, Seoul thậm chí đang xem xét việc hủy hoặc giảm quy mô kế hoạch phòng thủ tên lửa.Những hệ lụy từ việc ông Trump quyết định dừng tập trận với Hàn Quốc
Nếu như những động thái trên được coi là Mỹ - Hàn đã “lùi 2 bước” thì chuyến thăm này là lúc ông Pompeo phải cho thấy Washington sẽ “tiến 1 bước”, đó là đòi hỏi Triều Tiên phải cụ thể hóa khuôn khổ thực thi thỏa thuận Mỹ - Triều.
Mục tiêu quá lớn
Phát biểu trước một ủy ban của Thượng viện Mỹ, Ngoại trưởng Pompeo cho biết chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang tìm cách để Triều Tiên phải minh bạch về nguyên liệu hạt nhân và kỹ thuật sản xuất của họ, về những loại tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân đó cũng như những vũ khí hủy diệt hàng loạt khác.
Chính ông Pompeo đã đặt ra cho mình vào thế khó với một áp lực quá lớn khi nói từng rằng Mỹ muốn tìm cách “giải giáp hầu hết” Triều Tiên trước khi nhiệm kỳ này của Tổng thống Donald Trump kết thúc, nghĩa là chỉ còn 2 năm rưỡi nữa.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton ngày 1/7 cho biết, ông Pompeo sẽ thăm Triều Tiên để thảo luận về “cách thức giải trừ toàn bộ vũ khí hủy diệt hàng loạt và chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên trong vòng 1 năm”.
Thông tin về những tiến bộ của Bình Nhưỡng trong lĩnh vực sản xuất vũ khí “chỉ là một lời cảnh tỉnh rằng việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên phức tạp và khó khăn nhường nào” – Ông Shin Beomchul, Giám đốc Viện nghiên cứu chính sách Asan, thuộc Trung tâm An ninh và Thống nhất (Hàn Quốc) nhận định.
Ông nhấn mạnh: “Ý định phi hạt nhân hóa của Triều Tiên chỉ được xác minh bằng lời nói. Giờ đây khi ông Pompeo dự kiến có chuyến thăm nữa đến Bình Nhưỡng là lúc phải chứng minh điều đó bằng hành động”./.Giai đoạn “trăng mật” trong quan hệ Mỹ-Triều Tiên đã qua?