Chiến dịch triển khai sau khi Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng trước đồng ý cho máy bay chiến đấu của Mỹ được sử dụng Incirlik, căn cứ không quân chủ chốt của nước này ở tỉnh miền Nam Adana để phục vụ cho chiến dịch không kích phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng một cách hiệu quả và kinh tế hơn.

Tuy nhiên, thời báo New York của Mỹ cho rằng, về lâu dài, cái giá của thỏa thuận này dường như quá cao đối với sự thành công của cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng cũng như đối với sự ổn định của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Trước hết đối với Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà phân tích đang cảnh báo, ngày càng có nhiều mối đe dọa về an ninh đối với nước này khi các nhóm cực đoan như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng tăng cường hoạt động tuyển mộ ở dọc biên giới. 

incirlik_iagy.jpg
Chiến đấu cơ F-16 xếp hàng chuẩn bị cất cánh từ căn cứ không quân Incirlik (Thổ Nhĩ Kỳ). (Ảnh: AFP).

Giáo sư Salih Bicakci, chuyên gia về quan hệ quốc tế của Trường Đại học Kadir Has ở Istanbul cho biết: “Ngày nay, những người từ các vùng khác nhau như Trung Á, Bắc Phi, châu Âu, vùng Vịnh và vùng cận Sa mạc Sahara đều đến đây và sử dụng Thổ Nhĩ Kỳ là nơi chuyển tiếp để gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng”.

Mới đây, nhóm khủng bố này đăng tải một đoạn băng ghi hình lên mạng xã hội, kêu gọi những người ủng hộ chúng chiếm lấy thành phố Istanbul, trung tâm kinh tế, văn hóa và lịch sử đông dân nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái này đưa ra sau khi Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ quy trách nhiệm cho nhóm phiến quân này về vụ tấn công liều chết hôm 20/7 ở miền Đông Nam làm hơn 30 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.

 Không lâu sau, trong một cuộc truy quét, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã thu giữ hơn 30 bộ áo đánh bom liều chết và hồi giữa tháng 8 vừa qua, lực lượng an ninh nước này cũng đã tháo ngòi một số gói thuốc nổ ở Istanbul.

Sau những sự kiện này, cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, các nhóm vũ trang cực đoan có thể âm mưu tiến hành một số vụ tấn công liều chết khác tại những địa điểm công cộng như trạm xe buýt, tàu điện ngầm và các khu mua sắm.

Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol) cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một điểm trung chuyển rất quan trọng đối với phiến quân muốn đến tham chiến tại Iraq và Syria. Theo số liệu mới nhất, có khoảng 1.200 người Thổ Nhĩ Kỳ đã gia nhập các nhóm vũ trang, chiếm khoảng 1/10 tổng số tay súng cực đoan ở khu vực này.

Ali Semin - chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu chiến lược Thổ Nhĩ Kỳ nhận định: “Thổ Nhĩ Kỳ cần phải xem xét làm thế nào để ngăn chặn người dân tham gia vào các nhóm cực đoan và làm thế nào để lôi kéo 1.200 người đã tham gia các nhóm này có thể trở về với cộng đồng. Những người này là mối đe dọa lớn đối với an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ”.

Thời báo New York của Mỹ cho rằng, sở dĩ việc Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đột ngột thay đổi thái độ, từ lưỡng lự sang quyết liệt hơn trong nỗ lực chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng, không giúp nước này an toàn hơn là vì những suy tính chính trị nội bộ hơn là việc xem xét lại chiến lược cơ bản đối với Syria.

Có thể thấy, ngay sau khi cho phép Mỹ sử dụng căn cứ không quân Incirlik, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tiến hành một chiến dịch không kích khốc liệt vào các mục tiêu của người Kurd ở Syria, vốn là một trong những lực lượng đáng tin cậy nhất của Mỹ trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Bắc Syria.

Suốt 4 năm bất ổn vừa qua ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ cũng vẫn duy trì chính sách kiểm soát biên giới lỏng lẻo với nước láng giềng này. Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị cho là đã ủng hộ cho nhóm cực đoan dòng Sunni Mặt trận Al Nusra chống chính phủ Syria và không phản ứng quyết liệt trước các mối đe dọa từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng cho đến khi các con tin phương Tây bị nhóm khủng bố này chặt đầu.

Thậm chí khi cả thế giới cảm thấy đáng báo động về sự tàn bạo của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng thì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tỏ ra khá lưỡng lự với việc tham gia đầy đủ vào liên minh của Mỹ chống lại tổ chức khủng bố này.

Chỉ đến khi Chính phủ của Tổng thống Erdogan mất thế đa số tuyệt đối trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 6 vừa qua, ông mới thay đổi chính sách đối với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng, hay nói đúng hơn là với Syria và người Kurd ở Syria.

Thời báo New York của Mỹ cho rằng, ông Erdogan đang dùng chiến dịch không kích phiến quân ở Syria làm làn khói ngụy trang cho cuộc truy quét cánh vũ trang đảng Lao động người Kurd (PKK) đối lập. Bằng cách này, ông Erdogan biến lực lượng người Kurd thành khủng bố, vì thế sự ủng hộ đối với những đảng thân người Kurd cũng sẽ giảm.

Tuy nhiên, đối với Thổ Nhĩ Kỳ, điều này có thể khơi mào một cuộc nội chiến. Trong khi đối với Mỹ, việc Thổ Nhĩ Kỳ gây gián đoạn liên kết thông tin và hậu cần giữa lực lượng người Kurd ở Syria và Iraq đang làm suy yếu lực lượng chiến đấu trên bộ hiệu quả nhất chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng./.