Các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Chiến lược (CSIS) nhận định Triều Tiên vẫn đang tiếp tục chương trình tên lửa đạn đạo và họ đã xác định được một số căn cứ nhỏ chưa được công bố của Bình Nhưỡng.

trieutiengiaucancutenlua_ougn.jpg
Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế, Triều Tiên vẫn tiếp tục phtá triển chương trình tên lửa ở các căn cứ bí mật nằm ở những vùng núi xa xôi của quốc gia này. Ảnh: Reuters

Dựa trên những hình ảnh từ vệ tinh, báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Chiến lược (CSIS) đã chỉ ra 13 trong số 20 căn cứ tên lửa bí mật của Triều Tiên, chủ yếu nằm rải rác khắp các vùng núi xa xôi của nước này.

"Các căn cứ tên lửa đạn đạo này có quy mô nhỏ và rải rác khắp đất nước, cũng như không loại trừ khả năng chúng nằm trong những thung lũng hẹp", báo cáo ngày 12/11 khẳng định.

Những phát hiện trong báo cáo này làm dấy lên những nghi ngờ về lời khẳng định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về những tiến triển "không thể tin được" trong các cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Ông Trump đã gọi Hội nghị Thượng đỉnh hồi tháng 6/2018 ở Singapore với nhà lãnh đạo Kim Jong Un là cánh cửa mở ra tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, thỏa thuận giữa hai nhà lãnh đạo vẫn thiếu các điều khoản cụ thể và các cuộc đàm phán hầu như không có nhiều tiến triển.

Kể từ cuộc gặp Thượng đỉnh đó, Triều Tiên đã thực hiện từ bỏ các cuộc thử tên lửa và hạt nhân cũng như tháo dỡ một bãi thử tên lửa và hứa hẹn sẽ chấm dứt hoạt động của một tổ hợp nhà máy hạt nhân lớn của quốc gia này.

Theo báo cáo của CSIS, "việc Triều Tiên dừng hoạt động của cơ sở phóng vệ tinh Sohae vừa thu hút được nhiều sự chú ý của truyền thông, vừa che giấu được các căn cứ tên lửa đạn đạo bí mật khỏi mối đe dọa quân sự từ lực lượng Mỹ và Hàn Quốc”

"Các căn cứ tên lửa này, vốn được sử dụng cho mọi loại tên lửa đạn đạo từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SPBM) trở lên và bao gồm cả tên lửa đạn đạo liên lục địa, sẽ cần phải công khai, xác minh và dỡ bỏ trong bất kỳ thỏa thuận phi hạt nhân hóa cuối cùng và có thể xác minh đầy đủ nào", báo cáo này khẳng định.

Theo Mark Fitzpatrick từ Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược, phát hiện này không gây ra nhiều ngạc nhiên.

"Triều Tiên khẳng định hồi đầu năm 2018 rằng quốc gia này sẽ tiếp tục sản xuất hàng loạt tên lửa và vũ khí hạt nhân. Giờ thì, những gì chúng ta thấy là các địa điểm sản xuất và phát triển tên lửa", ông Mark Fitzpatrick chia sẻ với trang Al Jazeera.

"Tôi chắc chắn các cơ quan tình báo Mỹ đã có những nhận định khá chính xác về các địa điểm này và giờ thì tất cả chúng ta đều thấy những điều đang diễn ra", ông Fitzpatrick nhận định thêm.

Rosiland Jordan của trang Al Jazeera cho biết tình báo Mỹ "đã nhận ra trong thời gian dài rằng Triều Tiên đã không tuân theo thỏa thuận khi vẫn mở rộng các chương trình tên lửa hạt nhân và thông thường".

Tuy nhiên, phóng viên này cũng khẳng định thêm: "Một trong những điều mà nhiều người chỉ trích sau khi báo cáo của CSIS được công bố là khi Tổng thống Trump gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Un ở Singapore hồi tháng 6/2018, đã không có bất kỳ thỏa thuận chi tiết nào được đưa ra nhằm ngăn cản Triều Tiên thực hiện việc này".

Đến nay, ông Trump luôn lạc quan về tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên cũng như mối quan hệ với ông Kim Jong Un, người mà Tổng thống Mỹ từng gọi là "người tên lửa".

"Không còn những vụ phóng tên lửa, không còn những tên lửa đang bay và cũng không còn các cuộc thử hạt nhân nữa. Chúng tôi đã đạt được một tiến trình không thể tin được - vượt ngoài cả sự mong đợi". ông Trump khẳng định tại phòng Bầu Dục hồi tháng 10/2018.

Tuy nhiên, theo Fitzpatrick, báo cáo của CSIS sẽ khiến ông Trump phải xấu hổ. "Tôi rất hài lòng khi Triều Tiên không tiến hành thêm bất kỳ cuộc thử tên lửa nào nhưng trong khi họ không thử tên lửa thì họ vẫn tiếp tục sản xuất chúng", Fitzpatrick nhận định.

"Donald Trump, người từng tuyên bố mọi thứ đều tốt đẹp giờ sẽ phải xấu hổ".

Đầu tháng 11/2018, Triều Tiên đã bày tỏ sự mất kiên nhẫn với các biện pháp trừng phạt cứng rắn của Mỹ, đồng thời cảnh báo rằng Bình Nhưỡng có thể đảo ngược chính sách trước đó nếu Mỹ không thay đổi lập trường./.