Không chỉ kêu gọi sự ủng hộ ở trong nước đối với chiến dịch quân sự vào Syria, Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tục các chiến dịch ngoại giao nhằm tranh thủ sự đồng tình của quốc tế.

Tổng thống Obama ngày 3/9 đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về tình hình Syria. Nhà Trắng cho biết, hai nhà lãnh đạo đều bày tỏ lo ngại về tình hình tại Syria đồng thời cam kết tiếp tục tham vấn về “các phản ứng có thể của cộng đồng quốc tế”.

phan-doi-cuoc-chien-syria.jpg
Dân Mỹ phản đối can thiệp quân sự vào Syria (Ảnh: Press TV)

Trong hai tuần qua, Tổng thống Obama đã có các cuộc tiếp xúc sâu rộng với các đồng minh Pháp và Anh. Anh hiện đã bỏ kế hoạch can dự vào chiến dịch quân sự nhằm vào Syria sau khi Quốc hội bác đề xuất của Thủ tướng David Cameron. Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 3/9 cũng nhấn mạnh, Pháp sẽ không hành động một mình nếu Quốc hội Mỹ không ủng hộ kế hoạch của Tổng thống Obama.

Ông Hollande nêu rõ: “Quyết định của Pháp phụ thuộc vào quyết định của Quốc hội Mỹ, một liên minh có thể được thành lập. Tuy nhiên nếu Quốc hội không ủng hộ, Pháp cũng sẽ không hành động một mình nhưng sẽ gánh vác tránh nhiệm của mình”.

Dự kiến, Hội nghị Cấp cao G20 (nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi) ở Nga trong tuần này là cơ hội cuối cùng để Tổng thống Obama kêu gọi thêm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với kế hoạch tấn công Syria. Giới quan sát nhận định, nhiệm vụ của ông Obama tìm kiếm sự ủng hộ can thiệp Syria hoàn toàn không dễ dàng khi cộng đồng quốc tế đang có nhiều chia rẽ về kế hoạch này. Bản thân trong nội bộ nước Mỹ, kế hoạch của ông Obama cũng vấp phải sự phản đối của một số nghị sĩ, thậm chí cả các nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ do lo ngại Mỹ có thể dấn thân vào một cuộc xung đột mới ở Trung Đông.

Sau cuộc họp kéo dài nhiều giờ tại Nhà Trắng, một số Nghị sỹ Đảng Cộng hòa đã lên tiếng ủng hộ kế hoạch của ông Obama. Ông Obama cũng đã lên tiếng trấn an dư luận Mỹ rằng sự can dự vào Syria sẽ giới hạn và không lặp lại các cuộc chiến tranh kéo dài của Mỹ tại Iraq và Afghanistan./.