Sáng 26/9, Bộ Tài chính Mỹ cho biết Washington đã xác định được 5 người có quốc tịch Trung Quốc và 6 thực thể của nước này đã giúp Iran chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ.

pompeo_tase.jpg

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định rằng Washington sẽ "tiến hành bất kỳ biện pháp trừng phạt nào có thể nhằm vào hoạt động buôn bán dầu của Iran" sau khi thông báo các lệnh trừng phạt mới với các công ty Trung Quốc đã "vận chuyển dầu của Iran” - một động thái đi ngược các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Theo một thông báo Bộ Tài chính Mỹ đưa ra hôm 25/9, các lệnh trừng phạt mới này nhằm vào Công ty China Concord Petroleum Company, cùng với một số tàu vận chuyển và công ty khác được cho là đã giúp Iran xuất khẩu dầu, vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Cùng ngày, trong bài phát biểu bên lề Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng Pompeo thông báo sẽ thực hiện "2 hành động mới" nhằm chống lại Iran.

Ông Pompeo cho biết Mỹ đang "có hành động mới nhằm tách Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) khỏi nền kinh tế nước này" bằng cách tăng cường "các nỗ lực cảnh báo các quốc gia và các công ty về rủi ro khi làm ăn với các thực thể của IRGC", đồng thời "trừng phạt" lực lượng này nếu họ "tiếp tục coi thường các cảnh báo của chúng tôi".

Ngoại trưởng Mỹ cũng tái khẳng định rằng Washington vẫn đang áp "các lệnh trừng phạt lên một số thực thể Trung Quốc được cho là đã vận chuyển dầu của Iran".

"Điều quan trọng là chúng tôi cũng áp lệnh trừng phạt với các quan chức điều hành của các công ty trên. Chúng tôi muốn nói với Trung Quốc và tất cả quốc gia rằng Mỹ sẽ trừng phạt bất kỳ hành động nào vi phạm các lệnh trừng phạt", ông Pompeo tuyên bố.

Trong bài phát biểu của mình, Ngoại trưởng Pompeo đã kêu gọi các quốc gia khác cùng với Mỹ lên án những điều mà ông gọi là "hành động tồi tệ của Iran".

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một tuyên bố cũng khẳng định rằng các quan chức cấp cao của chính phủ Venezuela và Iran sẽ bị cấm vào nước Mỹ. Theo sắc lệnh của ông Trump, lệnh cấm vào nước Mỹ sẽ được áp dụng với cả các quan chức cấp cao của chính phủ Iran và với cả họ hàng gần của họ.

Mỹ đã tái áp đặt một loạt các lệnh trừng phạt lên Iran kể từ năm 2018 như một phần trong chiến lược "gây sức ép tối đa" nhằm vào các trụ cột của nền kinh tế nước này. Tuần trước, Mỹ đã áp thêm một vòng trừng phạt bổ sung lên Iran, trong đó có cả Ngân hàng Trung ương nước này sau khi Washington cáo buộc Tehran đứng đằng sau các vụ tấn công vào 2 cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia, bất chấp việc Iran phủ nhận cáo buộc trên./.