Nhà Trắng cho biết Mỹ đang theo đuổi các mục tiêu đầy tham vọng nhưng có thể đạt được trong viện trợ quốc tế đối với các nước đang phát triển trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí hậu và để bù đắp việc sụt giảm về hỗ trợ tài chính dưới thời Tổng thống Donald Trump.  

Ý định này nằm trong kế hoạch tài chính khí hậu của chính quyền Tổng thống Joe Biden bao gồm mục tiêu cắt giảm phát thải khoảng 50%-52% so với mức của năm 2005.

Leonardo Martinez Diaz, trợ lý hàng đầu của ông John Kerry, Đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống Joe Biden, cho biết tài chính khí hậu công quốc tế của Mỹ lên tới trung bình 2,8 tỷ USD mỗi năm trong khoảng thời gian từ 2013 tới 2017 và đây là mức cao nhất được ghi nhận.

Theo Nhà Trắng, các cơ quan chức năng của Mỹ cùng với các đối tác phát triển sẽ ưu tiên khí hậu trong các hoạt động đầu tư, mở rộng hỗ trợ kỹ thuật và tăng kinh phí cho các hoạt động thích ứng và phục hồi. Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ sẽ công bố một Chiến lược biến đổi khí hậu mới vào tháng 11 năm nay tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26)./.