Mỹ đã mở rộng đàm phán với Manila nhằm xây các cơ sở và khu vực kho bãi ở Philippines cũng như giúp máy bay và tàu chiến nước này tiếp cận được nhiều hơn các căn cứ tại đây. Các căn cứ quân sự mà Mỹ nhắm tới đều quay mặt ra Biển Đông.

Hội đàm về việc gia tăng hiện diện của Mỹ ở Biển Đông xuất hiện trong lúc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Philippines đang nóng lên. Từ hồi tháng 2/2013, quân đội Philippines đã phàn nàn rằng tàu bè của hải quân và chính phủ Trung Quốc tăng cường có mặt trong khu vực tranh chấp.

khu%20truc%20ham%20my%20den%20cang%20philippines.jpg
Khu trục hạm Mỹ có mặt tại căn cứ hải quân cũ của Mỹ ở vịnh Subic nằm về phía bắc Manila (ảnh: AFP)

Đại sứ Jose Cuisia vào tuần này cho phóng viên hay Philippines lên kế hoạch cho phía Mỹ tiếp cận nhiều hơn với các căn cứ nước này theo kiểu tạm thời hoặc luân phiên, nhờ đó sẽ giúp tăng cường phòng thủ cho quốc gia Đông Nam Á này. Dù Manila không cho Mỹ quyền đặt căn cứ lâu dài ở đây, họ sẽ cho phép Mỹ hiện diện nhiều hơn trên Biển Đông.

Một thỏa thuận năm 1998 giữa Mỹ và Philippines cho phép quân đội Mỹ duy trì sự hiện diện ở Philippines theo kiểu luân phiên, nhưng Washington muốn được hơn thế và cung cấp tài chính cho các cơ sở của riêng mình.

Ông Cuisia nói trong 1 buổi họp báo ở Manila: “Chúng tôi cần mở rộng thỏa thuận trên bởi lẽ chúng tôi có thể phải xây thêm một số cơ sở nữa.”

Các cơ sở này sẽ được chi tiền để “hoạt động chung” và cho phép Mỹ cất giữ thiết bị quân sự và quân nhu trên lãnh thổ Philippines.

Các căn cứ quân sự và cơ sở mà Mỹ muốn dùng cho phi cơ và chiến hạm đều quay mặt ra Biển Đông, và như vậy sẽ giúp Mỹ thực hiện các hoạt động hải quân và không quân gần lãnh thổ tranh chấp.

Tháng trước quân đội Philippines nói với hãng tin Reuters là họ có kế hoạch khôi phục lại các căn cứ hải quân và không quân ở cảng Subic, từng là cơ sở hải quân Mỹ trước đây. Điều này một khi được thực hiện sẽ mang lại cho Mỹ thế đứng chiến lược trong khu vực.

Mỹ đã sử dụng cảng Subic cho các chuyến thăm hải quân, và một nhà thầu quốc phòng của Mỹ vào năm ngoái đã mở 1 công ty để bảo dưỡng tàu cho hải quân Mỹ.

Cuối năm 2012, phía Mỹ tuyên bố sẽ tăng cường số lượng binh sĩ, tàu chiến và máy bay luân chuyển qua Philippines./.