Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ của đảng Dân chủ đã phát đi tín hiệu tích cực sau các cuộc thảo luận trực tiếp đầu tiên với phe Cộng hòa. Một kịch bản nước Mỹ thoát hiểm trong gang tấc, vốn sẽ giúp nền kinh tế hàng đầu thế giới tránh khỏi vỡ nợ và khiến cả thế giới thở phào trước bờ vực của đại suy thoái, hiện vẫn đang được chờ đợi.

thuong-vien-my.jpg
Thượng viện Mỹ đã triệu tập một phiên họp vào ngày Chủ nhật 13/10 (Ảnh: Washington Post)

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Harry Reid ngày 13/10 đã bày tỏ lạc quan sẽ giải quyết được tình trạng đình trệ trong vấn đề ngân sách và trần nợ công. Tuyên bố của ông Harry Reid đưa ra sau các cuộc thảo luận trực tiếp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo của đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Thượng viện. Nhà lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ đã mô tả cuộc thương thuyết với nhà lãnh đạo Cộng hòa Mitch McConnell là “hữu ích”.

Ông Harry Reid nói: “Tôi đã có một cuộc thảo luận hữu ích với nhà lãnh đạo của phe Cộng hòa. Các cuộc thảo luận sẽ còn tiếp diễn và tôi lạc quan về kết quả tích cực cho những vấn đề bế tắc tại nước Mỹ hiện nay”.

Tuần này sẽ là tuần làm việc quyết định của các nhà lập pháp Mỹ để giải quyết những tranh cãi dai dẳng trong vấn đề ngân sách, trong bối cảnh chính phủ đã đình trệ hoạt động trong 2 tuần qua và chỉ còn 3 ngày nữa nước Mỹ sẽ đến hạn chót nâng trần nợ 16.700 tỷ USD vào ngày 17/10 tới.

Các nhà lập pháp sẽ phải gia tăng những nỗ lực cuối cùng để đưa nước Mỹ tránh vỡ nợ và khôi phục lại hoạt động của chính phủ. Các cuộc thảo luận trực tiếp tiếp theo giữa các nhà lãnh đạo 2 đảng tại Thượng viện Mỹ đang được chờ đợi sẽ giúp khai thông bế tắc hiện nay.

Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell nói: “Đàm phán là điều mà chúng tôi phải làm. Người dân Mỹ đang phải chứng kiến chính phủ chia rẽ. Giải quyết sự chia rẽ đồng nghĩa với việc chúng ta phải đàm phán”.

Tuy nhiên, bất chấp lạc quan của ông Harry Reid, trên thực tế, hai đảng trong Quốc hội lưỡng viện tại Mỹ đến nay vẫn chưa thể từ bỏ lập trường cứng rắn của mình và những tranh cãi sẽ còn đào sâu thêm chia rẽ và bế tắc, khi mà hàng loạt các đề xuất của 2 đảng cho vấn đề ngân sách và trần nợ đều thất bại. Các thượng nghị sĩ Cộng hòa đã bác bỏ dự thảo của đảng Dân chủ về gia hạn trần nợ công thêm 1 năm, trong khi phe Dân chủ cũng từ chối giải pháp nâng trần nợ ngắn hạn và mở cửa lại chính phủ liên bang của phe Cộng hòa. Thậm chí, phe Cộng hòa không có cả dấu hiệu cho thấy sẽ chấp nhận một “kế hoạch vô điều kiện” của những đồng nghiệp Dân chủ, nhằm đưa tình hình tài chính ra khỏi ngõ cụt hiện nay.

Nếu không nâng mức trần nợ trước ngày 17/10, Mỹ sẽ lần đầu tiên trong lịch sử không thể thanh toán các món nợ đáo hạn đúng kỳ, đồng nghĩa với việc nền kinh tế số 1 thế giới sẽ vỡ nợ. Tình huống này sẽ không chỉ gây thiệt hại kinh tế với Mỹ, mà theo giới chuyên gia quốc tế đây sẽ là dấu mốc đưa nền kinh tế toàn cầu trở lại cuộc đại suy thoái như hồi năm 2008.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner của phe Cộng hòa vẫn đang có những lời chỉ trích lẫn nhau. Tổng thống Obama lên án ông Boehner và một nhóm nhỏ các nhà lập pháp bảo thủ đã ngăn chặn cuộc biểu quyết về ngân sách tại Hạ viện, mà ông cho là sẽ giúp chấm dứt tình trạng đóng cửa chính phủ.

Chính phủ Mỹ đã rơi vào tình trạng này 17 lần kể từ năm 1977. Trong đó, thời gian đóng cửa chính phủ ngắn nhất là một ngày và dài nhất là 21 ngày vào năm 1996. Tuy vậy, một kịch bản nước Mỹ thoát hiểm trong gang tấc vẫn đang được tính đến. Vụ “vách đá tài chính” hồi đầu năm nay là một bằng chứng cho thấy các nhà lập pháp Mỹ có thể tìm được tiếng nói đồng thuận vào phút chót./.