Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 11/10 đã có cuộc thảo luận cùng các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ và chủ tịch Hạ viện John Boehner nhằm thúc đẩy một thỏa thuận giúp đưa hàng trăm nghìn nhân viên liên bang trở lại làm việc và nâng thẩm quyền vay nợ của chính phủ trước thời hạn chót vào ngày 17/10.  

Các bên tại cuộc đàm phán đều bày tỏ thái độ lạc quan về khả năng nước Mỹ sẽ tránh được một cuộc khủng hoảng tài chính. 

Phát biểu sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Obama và chủ tịch Hạ viện John Boehner, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết, 2 bên đã nhất trí sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán nhằm đi đến một thỏa thuận về vấn đề ngân sách. 

obama_copy.jpg
Chủ tịch Hạ viện John Boehner (trái) sẽ mở ra lối thoát cho bế tắc tài chính của Mỹ? (Ảnh Reuters)

Ông Carney cho rằng đây là một tín hiệu lạc quan cho thấy khả năng 2 bên có thể tìm được tiếng nói chung khi mà trước đó các bên từng tuyên bố sẽ không đàm phán hay nhượng bộ về vấn đề này.

Các nhà lập pháp nước này dự kiến sẽ làm việc suốt 2 ngày nghỉ cuối tuần nhằm đi đến một thỏa thuận về ngân sách vào đầu tuần tới.

Trước tín hiệu lạc quan hơn về triển vọng tháo gỡ những bế tắc tài chính tại Mỹ, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của 20 nền kinh tế lớn trên thế giới (G20) hôm qua tuyên bố bày tỏ tin tưởng nước Mỹ sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay.

Phát biểu tại một cuộc họp báo sau cuộc họp của Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của G20 diễn ra bên lề hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới tại Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov nói: “Chúng ta không cần phải đưa ra một kế hoạch khẩn cấp nào và cũng không cần phải thảo luận về một kịch bản tồi tệ có thể xảy ra. Tôi tin tưởng và hi vọng rằng chính quyền Mỹ sẽ tìm được giải pháp để thoát khỏi những bế tắc tài chính hiện nay.”

Tuy nhiên, để đi đến một giải pháp cho vấn đề ngân sách hiện nay và đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng quốc tế, Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ được cho là sẽ còn phải vượt qua khá nhiều trở ngại tại các cuộc đàm phán khi mà cho đến nay, các bên đều muốn bác bỏ đề xuất của bên kia về một số vấn đề, đặc biệt là việc nâng trần nợ công trong ngắn hạn.

Các nghị sĩ đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện hôm 12/10 dự kiến có cuộc thảo luận sau khi trình Nhà Trắng một đề xuất về tăng trần nợ công trong thời gian ngắn khoảng 6 tuần nhằm mở đường cho việc mở cửa lại chính phủ.

Tuy nhiên, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney hôm 11/10 cho rằng, việc nâng trần nợ công trong một thời gian quá ngắn như vậy sẽ không thể mang lại sự ổn định cho kinh tế Mỹ và nền kinh tế số 1 thế giới này có thể nhanh chóng trở lại bờ vực vỡ nợ.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney phát biểu: “ Đề xuất được đưa ra trong các cuộc đàm phán ngân sách về việc tăng trần nợ công chỉ trong 6 tuần sẽ đưa nhanh chóng đưa chúng ta trở lại những bế tắc mà chúng ta đang gặp phải hôm nay.”

Về phần mình, phe Dân chủ tại Thượng viện cũng dự kiến tổ chức cuộc bỏ phiếu về nâng trần nợ công trong vòng 1 năm mà không kèm theo bất cứ điều kiện nào, song dự kiến việc này sẽ vấp phải sự phản đối từ các nghị sĩ Đảng Cộng hòa tại Thượng viện.

Cùng ngày, trong một bức thư gửi Tổng thống Obama và các thành viên Quốc hội, văn phòng thương mại Mỹ và liên đoàn lao động nước này đã cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra đối với nền kinh tế khi các đảng phái chính trị không thể tìm được lối thoát cho những bế tắc tài chính hiện nay.

Họ cho rằng việc chính phủ ngừng hoạt động trong thời gian quá dài và nguy cơ vỡ nợ có thể trở thành thảm hoạt đối với nền kinh tế vốn đang rất mong manh của Mỹ.

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu chính phủ tiếp tục ngừng hoạt động tới hết tháng 10 này, nền kinh tế chắc chắn sẽ chao đảo khi Tổng sản phẩm quốc nội có thể giảm tới 1,5% trong quí cuối năm./.