“Sẽ là thiếu khôn ngoan và thiển cận để kết luận rằng chúng tôi không duy trì cam kết đối với chính sách tái cân bằng” - ông Hagel nói tại phiên toàn thể mở đầu ngày làm việc.

Tác động của cắt giảm ngân sách (40 tỉ USD trong tài khóa năm nay) thực tế là có ảnh hưởng tới quân đội Mỹ. Trả lời vấn đề này, ông Hagel nhấn mạnh: “Cả trong tình huống ngân sách xấu nhất, chi phí quốc phòng Mỹ sẽ vẫn chiếm đến 40% ngân sách quốc phòng toàn cầu”. Theo ông, điều quan trọng là việc triển khai “khôn ngoan” và “chiến lược” các nguồn lực này.

60% hải quân, 60% không quân

“Quân đội Mỹ không chỉ chuyển thêm nhiều nguồn lực đến Thái Bình Dương, chúng tôi còn muốn sử dụng những nguồn lực mới này để củng cố vị thế và các mối quan hệ của mình” . Ông Hagel nhấn mạnh.

hagel-1.jpg
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel (giữa) cam kết với người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ biến chính sách thành hành động cụ thể (Ảnh: Reuters)

Theo ông Hagel, Lầu Năm Góc dự định chuyển 60% số hạm đội của mình sang khu vực Tây Thái Bình Dương vào năm 2020 so với 50% của hiện tại. Ngoài ra, ông cho biết 60% lực lượng không quân của Mỹ đã được triển khai tới khu vực. Các chiến đấu cơ F-22 Raptor và F-35 sẽ sớm được triển khai tới Nhật Bản, trong khi tàu ngầm tấn công thế hệ Virginia thứ tư sẽ được triển khai tới Guam trong thời gian tới.

Ngoài ra, quân đội Mỹ đang đưa thêm quân đánh bộ về lại Thái Bình Dương sau cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, sẽ triển khai vũ khí laser thể rắn trên tàu hải quân Ponce vào năm tới và coi đây là câu trả lời cho các mối đe dọa như “tên lửa, các thuyền nhỏ và máy bay không người lái”.

Ông Hagel cho biết ngân sách 5 năm tới của Mỹ sẽ chi nhiều vào các lực lượng có thể triển khai nhanh như tàu ngầm, máy bay ném bom tầm xa và các tàu sân bay có thể gây ảnh hưởng trên diện rộng và thực hiện được nhiều nhiệm vụ khác nhau.

Một trong những điểm mới về tái cân bằng mà ông Hagel trình bày lần này là “chiến lược ngoại giao, kinh tế và văn hóa” chứ không chỉ về quân sự. Điều này giải thích vì sao Mỹ nhấn mạnh vào việc xây dựng Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi Tổng thống Obama đã tăng 7% phần ngân sách cho các hoạt động đối ngoại và hỗ trợ phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương./.