“Tôi đề nghị Quốc hội thực thi các biện pháp nhằm tăng trần nợ công càng sớm càng tốt”, Bộ trưởng Tài chính Jack Lew viết trong một bức thư gửi các nhà lãnh đạo lưỡng viện.
Trước đó, ngày 18/12 Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật ngân sách giúp dỡ bỏ việc cắt giảm chi tiêu tự động của Chính phủ trong năm tới và giúp Chính phủ tránh được nguy cơ phải đóng cửa tạm thời một lần nữa.
Bộ trưởng Tài chính Jack Lew bi quan trước viễn cảnh Mỹ có thể bị vỡ nợ (Ảnh AP) |
Tuy nhiên, các nhà lập pháp nước này lại không hành động gì để tránh cho Mỹ rơi vào tình trạng vỡ nợ chưa từng có tiền lệ tại nước này.
Vào tháng 10 năm nay, Quốc hội và Chính phủ Mỹ đã tạm ngừng việc nâng giới hạn cho vay lên mức 16.700 tỷ USD cho đến ngày 7/2/2014.
Nếu sau đó mức trần nợ công không được nâng lên thì Bộ Tài chính có thể chuyển các khoản tiền từ nhiều tài khoản khác nhau của Chính phủ để giúp giữ nợ công của nước này ở mức cho phép trong vòng vài tuần.
Tuy nhiên, ông Lew cho biết, Bộ Tài chính sẽ chỉ có thể thực hiện chính sách trong khoảng giữa tháng 2 và đầu tháng 3 năm tới. Sau đó thì Bộ Tài chính sẽ không thể vay thêm tiền để chi trả các chi phí của mình.
“Chúng tôi không thể tìm ra bất kỳ cách thức nào để có thể kéo dài chính sách nếu trên thêm nữa”, ông Lew nói.
Nểu như Bộ Tài chính mất đi khả năng vay thêm tiền, Bộ này sẽ phải thanh toán các khoản chi tiêu của mình dựa trên các khoản thu của mình và số tiền còn lại trong ngân quỹ.
Sau khi số tiền trong ngân quỹ đã cạn kiệt, chính quyền sẽ không thể chi trả số nợ của mình cũng như thực thi các nghĩa vụ khác như trả tiền trợ cấp lương hưu theo đúng Chính sách An sinh Xã hội.
Rất nhiều nhà kinh tế cho rằng việc Mỹ rơi vào tình trạng vỡ nợ sẽ gây ra sự hỗn loạn về tài chính và thậm chí dẫn đến một cuộc suy thoái kinh tế./.