Việc Thượng viện phê chuẩn dự luật này ngày 18/12 đánh dấu việc “ngừng chiến” giữa hai Đảng trong Quốc hội Mỹ và giúp Chính phủ nước này tránh được việc phải đóng cửa tạm thời vào tháng 1 tới.

Đồng thuận tạm thời

Sau khi được lưỡng viện Mỹ thông qua, dự luật này sẽ được đệ trình lên Tổng thống Barack Obama, người đã tuyên bố “rất hài lòng” với kết quả bỏ phiếu trên.

Ông Obama sẽ ký thông qua dự luật này trước khi đến Hawaii nghỉ Giáng sinh vào ngày 20/12.

patty.jpg
Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Thượng Viện Patty Murray lạc quan về dự luật ngân sách vừa được thông qua (Ảnh AFP)

Việc thông qua dự luật này đã giúp tăng giới hạn chi tiêu của Mỹ trong hai năm 2014 và 2015 trong khi xóa bỏ một loạt các cắt giảm chi tiêu tự động của nước này dự kiến sẽ phải tiến hành vào tháng 1 năm tới.

Đây cũng được coi là thắng lợi lớn của Quốc Hội Mỹ trong năm 2013, một năm đầy ảm đạm đối với các nhà lập pháp nước này.

Sau khi thông qua dự luật này cùng với việc phê chuẩn một loạt dự luật về chi tiêu quốc phòng và việc bổ nhiệm một vài chức vụ quan trọng trong các cơ quan hành pháp và tư pháp, Quốc hội Mỹ cũng sẽ nghỉ làm việc cho đến đầu tháng 1.

Tổng thống Obama đã mô tả việc thông qua dự luật ngân sách này như là “Bước tiến tốt đẹp đầu tiên nhằm giúp nước Mỹ thoát khỏi những quyết định thiển cận đẩy kinh tế nước này vào tình trạng khủng hoảng. Nó cũng giúp vạch ra một lộ trình cụ thể cho kinh tế Mỹ trong hai năm tới để tránh việc người Mỹ lại phải chấp nhận việc Chính phủ bị đóng cửa thêm một lần nữa”.

Một trong hai tác giả của dự luật này,  Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Thượng Viện Patty Murray đã tuyên bố “Việc thông qua dự luật này là bước đột phá giúp phá vỡ thế bế tắc giữa hai đảng và chứng tỏ rằng Quốc hội Mỹ vẫn đang hoạt động hiệu quả”.

Từ nay đến 15/1/2014 các nhà lập pháp của hai viện nước này sẽ đề xuất thêm một loạt dự luật về chi tiêu công theo mức giới hạn ngân sách mới nếu không muốn lại rơi vào tình thế buộc Chính phủ phải đóng cửa tạm thời như đã xảy ra vào tháng 10 năm nay.

Dự luật ngân sách vừa được Hạ viện phê chuẩn sẽ nâng mức chi tiêu ngân sách của Mỹ từ 967 tỷ USD trong năm 2013 lên 1012 tỷ USD trong năm 2014 và 1014 tỷ USD trong năm 2015.

Theo Hạ nghị sỹ Đảng Cộng hòa Paul Ryan, việc bỏ phiếu thông qua dự luật ngân sách này cho thấy “cả hai Đảng ở cả hai Viện đã tìm được tiếng nói chung và có thể hợp tác với nhau”.

Tranh cãi vẫn tiếp diễn

Tuy nhiên, ông Ryan nói rằng đây mới chỉ là một bước tiến nhỏ hướng đến những cải cách tài chính lớn hơn và rằng “chúng ta còn phải làm nhiều hơn nữa”.

Theo dự luật ngân sách mới, việc tăng chi tiêu Quốc phòng và các chương trình quốc gia sẽ được bù đắp bằng việc tăng số lượng nhân viên chính phủ bị cắt giảm việc làm và tăng giá vé máy bay của Cơ quan An ninh Giao thông Quốc gia.

Tuy nhiên, dự luật ngân sách này không bao gồm việc giảm thuế và tăng phúc lợi cho người bị thất nghiệp, một điều khiến Đảng Dân chủ chỉ trích rất nặng nề.

Dự luật này cũng không hướng tới việc cải cách các chương trình quan trọng như An sinh xã hội và Chăm sóc Y tế vốn đang được Đảng Cộng Hòa theo đuổi trong nhiều năm qua.

Nó cũng gây ra nhiều sự bất mãn ở cả hai Đảng trong Quốc hội khi thu hồi khoản tiền lên tới 6 tỷ USD dành cho các cựu chiến binh Mỹ.

Ngay cả khi dự luật ngân sách này mang lại cảm giác ổn định tạm thời ở Washington cho đến tận sau cuộc bầu cử Quốc hội trong năm 2014, các cuộc chiến tiếp theo về chi tiêu của Mỹ dường như vẫn chưa thể kết thúc.

Dự luật ngân sách này không hề nới lỏng trần nợ công của Mỹ và khiến hai Đảng trong Quốc hội phải tranh đấu để tăng trần nợ công này trong tháng 2 hoặc tháng 3 nếu muốn tránh khỏi việc nước này rơi vào tình trạng vỡ nợ.

Hạ nghị sỹ Đảng Cộng hòa Paul Ryan tuyên bố, các thành viên trong Đảng của ông sẽ tập trung trong tháng tới để “thảo luận về những gì Đảng Cộng hòa mong muốn khi trần nợ công được nâng lên”.

Trong khi đó, Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Mitch McConnel cho biết “Tôi nghi ngờ việc Hạ viện hoặc Thượng viện tạo điều kiện cho Tổng thống dễ dàng tăng trần nợ công mà không phải nhượng bộ với Đảng Dân chủ”.

Washington đã luôn ở trong tình trạng đối đầu căng thẳng giữa hai Đảng về tài chính kể từ năm 2011 sau khi các cuộc thương lượng giữa Tổng thống Obama và Đảng Dân chủ bị thất bại.

Tình trạng đối đầu này lên đến đỉnh điểm vào tháng 10 năm nay khi cả hai Đảng không thống nhất về một dự luật ngân sách và khiến Chính phủ Mỹ chịu thiệt hại nặng nề sau khi phải đóng cửa tạm thời 16 ngày./.