Phát biểu trong chuyến thăm Ai Cập 2 ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 2/3 kêu gọi một sự đồng thuận chính trị tại nước này, coi đây là điều cần thiết để phục hồi kinh tế đất nước.
Theo các nhà phân tích, chuyến thăm Ai Cập của ông John Kerry không chỉ nhằm giúp tháo gỡ bế tắc chính trị tại Ai Cập, mà còn nhằm củng cố mối quan hệ giữa hai nước đồng minh, vốn không còn mặn nồng như dưới thời cựu Tổng thống H.Mubarak trước đây.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. (ảnh: Worldpress) |
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry diễn ra trong bối cảnh Ai Cập vẫn đang chìm trong khủng hoảng kinh tế và chính trị nghiêm trọng sau khi chính quyền của cựu Tổng thống H.Mubarak sụp đổ cách đây 2 năm.
Phát biểu tại thủ đô Cairo, ông John Kerry thục giục các nhà lãnh đạo Ai Cập nỗ lực đạt được một sự đồng thuận chính trị để tiến hành các cải cách kinh tế, mà theo ông là khó khăn với người dân song lại là cần thiết để nhận được khoản vay gần 5 tỷ USD của IMF.
Ông nói: “Chúng tôi tin rằng, những thách thức kinh tế hiện nay rất cần sự đoàn kết của tất cả người dân Ai Cập. Các bạn cần cùng nhau làm việc để xem xét các lựa chọn kinh tế và nỗ lực đạt được một sự thỏa hiệp cần thiết”.
Theo chính quyền Mỹ, nếu Ai Cập nhận được khoản vay của IMF, điều này sẽ đem lại nhiều khoản viện trợ khác từ phía Mỹ, EU và các quốc gia Arab. Thông điệp chính mà ông John Kerry mang theo trong chuyến thăm này là: Một đất nước Ai Cập mới rất cần các nền tảng kinh tế bền vững.
Có thể thấy, tham vọng của Ngoại trưởng Mỹ trong chuyến thăm lần này là rất lớn, vừa nhằm hàn gắn những bất đồng chính trị tại Ai Cập, lại vừa thúc đẩy các nỗ lực phục hồi kinh tế tại nước này. Tuy nhiên, đây là điều không dễ thực hiện bởi quan hệ giữa Mỹ - Ai Cập đã không còn như xưa.
Trước đây, mỗi chuyến thăm của quan chức hai nước đều là một lần củng cố mối quan hệ đồng minh trên hàng loạt vấn đề, từ cuộc chiến chống khủng bố đến hỗ trợ hoạt động của quân đội Mỹ ở Trung Đông, giúp đảm bảo hành lang vận tải biển an toàn hay hỗ trợ cho các cuộc đàm phán giữa thế giới Arab và Israel. Thế nhưng, chính quyền Ai Cập thời hậu Mubarak đã khác. Đối với người Ai Cập, Mỹ giờ chỉ là một trong những lựa chọn chứ không còn là lựa chọn duy nhất của họ như trước đây nữa. Và ngay trong chuyến thăm lần này của Ngoại trưởng Mỹ, đã có các cuộc biểu tình phản đối. Phe đối lập tại nước này thậm chí còn tuyên bố sẽ không gặp Ngoại trưởng Mỹ và cho rằng, bằng cách này, phe đối lập cho thấy rằng họ sẽ không chấp nhận “áp lực từ Mỹ”.
Chính vì bản chất quan hệ giữa hai nước đã thay đổi, nên theo các nhà phân tích, trong chuyến thăm lần này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ thực hiện một chiến lược tiếp cận thận trọng để không mang lại cảm giác vai trò nước lớn đối với Ai Cập. Theo đó, ông sẽ không công khai yêu cầu các đảng phái đối lập tại nước này từ bỏ việc tẩy chay các cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến diễn ra vào tháng 4 tới. Ngược lại ông sẽ thúc giục họ tham gia các cuộc bầu cử để thể hiện quan điểm của mình./.