Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 4/2 tuyên bố ngừng hỗ trợ các hoạt động quân sự tại Yemen, “đảo ngược” chính sách của cả 2 chính quyền tiền nhiệm. Tuy nhiên, dù không còn được Mỹ hỗ trợ như trước, song Saudi Arabia – quốc gia dẫn đầu Liên quân Arab tham chiến trực tiếp tại Yemen vẫn hoan nghênh bước đi mới của đồng minh, khẳng định đang ưu tiên một giải pháp chính trị cho vấn đề.
Phát biểu lần đầu tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, cuộc chiến tranh 6 năm qua tại Yemen phải kết thúc: “Cuộc chiến này phải kết thúc. Chúng tôi sẽ chấm dứt mọi hỗ trợ của Mỹ cho các hoạt động tấn công trong cuộc chiến ở Yemen, bao gồm cả việc mua bán vũ khí liên quan. Tuy nhiên, với việc Saudi Arabia phải đối mặt với các cuộc tấn công bằng tên lửa, máy bay không người lái và các mối đe dọa khác từ các lực lượng thân Iran, Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ và giúp Saudi Arabia bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và sự an toàn của người dân nước này.”
Việc ngừng hỗ trợ các đồng minh Arab trong cuộc chiến tại Yemen được xem là động thái “đảo ngược” chính sách của cả hai chính quyền tiền nhiệm của cựu Tổng thống Barack Obama và Donald Trump. Động thái diễn ra khi mà cuộc chiến Yemen không hồi kết đang gây ra các cuộc khủng khoảng nhân đạo, nạn đói tồi tệ nhất thế giới. Tuy nhiên, việc đảo ngược chính sách không phải là bước đi “quá bất ngờ” với các nước đồng minh Arab, bởi từ lâu các thành viên Đảng Dân chủ Mỹ luôn kêu gọi chính quyền thực hiện điều này. Thêm vào đó, quyết định được đưa ra sau khi phía Mỹ đã có các cuộc trao đổi với phía Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) – 2 quốc gia can dự quân sự nhiều nhất tại Yemen.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết: “Chúng tôi đã trao đổi với các các quan chức cấp cao của Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, tham khảo ý kiến của họ về tình hình. Chúng tôi đã theo đuổi một chính sách “không gây bất ngờ” và các nước đã hiểu được lý do khởi nguồn cho những chính sách của chúng tôi”.
Chính vì vậy, ngay sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ, Saudi Arabia đã lên tiếng hoan nghênh động thái mới của đồng minh, đặc biệt là cam kết của ông Biden về việc bảo vệ Saudi Arabia trước các mối đe dọa tiềm ẩn. Saudi Arabia mong muốn được hợp tác với Mỹ, Liên Hợp Quốc và các bên tại Yemen để giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia nghèo nhất Arập này.
Trong khi đó, người phát ngôn của Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric nhận định, bất kỳ động thái nào làm giảm các hoạt động quân sự, hạn chế vũ khí sát thương trong cuộc chiến tại Yemen đều được hoan nghênh. Ông cho rằng, chính sách mới của Mỹ sẽ mang lại nhiều không gian và hy vọng cho các cuộc đàm phán hòa bình.
Giới chuyên gia cũng kỳ vọng đây có thể là bước ngoặt của cuộc chiến tại Yemen, là bước đi gỡ rối cho đồng minh Arab – vốn đã sa lầy trong 1 cuộc chiến dai dẳng.
Cuộc chiến tại Yemen – được giới chuyên gia nhận định là cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Saudi Arabia và Iran khi Liên quân Arab hỗ trợ chính phủ Yemen được quốc tế công nhận, còn Iran ủng hộ lực lượng vũ trang đối lập Houthi. Các cuộc đàm phán hòa bình Yemen do Liên Hợp Quốc làm trung gian đến nay chưa có những tiến triển, trong khi xung đột làm con số thương vong không ngừng tăng. Trong 6 năm chiến tranh, Liên Hợp Quốc đánh giá Yemen là cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới, với 80% người dân đang gặp khó khăn; hàng triệu người đang bên bờ vực của nạn đói./.