Mối quan hệ Nga - Mỹ vốn không ít những khúc mắc lại “nóng” lên trong những ngày gần đây do Bộ Quốc phòng Mỹ tiếp tục triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) tại Romania, Tây Ban Nha và Ba Lan, bất chấp chỉ trích của Nga.

Bên cạnh đó, hệ thống phòng thủ tên lửa chung của châu Âu (AMD) hiện cũng là vấn đề phức tạp nhất trong quan hệ giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Những yếu tố này đang khiến dư luận hết sức lo ngại về thế “đối đầu” giữa một bên là Nga với bên kia là Mỹ và NATO. Điều đó không chỉ đe dọa đến sự ổn định và thịnh vượng của các bên liên quan mà còn ảnh hưởng đến cục diện hòa bình và an ninh toàn cầu.

Trong khi Nga và Mỹ vẫn chưa đạt được tiến bộ trong quá trình đàm phán về NMD, Washington lại thúc đẩy triển khai các hệ thống tên lửa đánh chặn tại Tây Ban Nha và nhiều nước Ðông - Nam Âu gần biên giới Nga.

Gruzia tuyên bố sẵn sàng cho phép Mỹ triển khai trạm radar thuộc hệ thống lá chắn tên lửa.

Mỹ cũng tiếp tục đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về việc bố trí một bộ phận NMD tại lãnh thổ nước này.

ten-lua.jpg

Bệ phóng tên lửa Patriot PAC-3 của quân đội Mỹ (Ảnh: Internet)

Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatolyi Antonov cho rằng, việc Mỹ tiếp tục thực hiện kế hoạch bố trí các bộ phận của NMD tại châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ, đã đi ngược lại tinh thần đối thoại giữa Nga, Mỹ và NATO về vấn đề này.

Ông Antonov nhấn mạnh, Moscow sẵn sàng đàm phán, nhưng có giới hạn và nước này sẽ có các biện pháp đáp trả thích đáng nếu xuất hiện nguy cơ đe dọa an ninh gần biên giới Nga.

Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích Mỹ đã bỏ lỡ cơ hội thành lập hệ thống phòng thủ tên lửa chung của châu Âu (AMD) để chuyển vấn đề "lá chắn tên lửa" từ trạng thái đối đầu sang hợp tác theo thỏa thuận đạt được tại Hội nghị Cấp cao Hội đồng Nga - NATO cuối năm 2010.

Ðồng thời, việc Mỹ không trao đổi ý kiến và tính đến lập trường của các bên liên quan để thông qua quyết định có khả năng ảnh hưởng an ninh và ổn định ở khu vực châu Âu- Ðại Tây Dương đã làm vô hiệu hóa thỏa thuận đạt được tại Lisbon.

Nga chỉ trích việc Mỹ đơn phương triển khai NMD là hành động tăng cường tiềm lực phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu, gây ra sự lo ngại chính đáng và sâu sắc đối với nước Nga.

Ngay cả Ukraine và Pháp cũng cho rằng, việc thiết lập "lá chắn tên lửa" sẽ không góp phần bảo đảm an ninh cho châu Âu vì trong trường hợp xảy ra tiến công có tới 70% số tên lửa của đối phương có thể "xuyên thủng" lá chắn này.

Trong diễn biến có liên quan, ngày 10/10, phát biểu trong cuộc gặp ở Moscow với Tư lệnh Tối cao các lực lượng vũ trang NATO tại châu Âu, Đô đốc Mỹ James Stavridis- Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, Đại tướng Nikolai Makarov khẳng định AMD hiện là vấn đề phức tạp nhất trong quan hệ giữa Nga và NATO.

Đại tướng Makarov cũng cho rằng, lãnh đạo NATO đã nhiều lần tuyên bố hệ thống phòng thủ tên lửa mà tổ chức này dự định triển khai ở châu Âu không nhằm chống lại tiềm năng chiến lược của Nga, nhưng lại không đưa ra bảo đảm về mặt pháp lý, cũng như không tán thành đề xuất của Nga về việc thành lập AMD chung.

Ông Makarov nhấn mạnh rằng những biện pháp đơn phương được NATO thực thi liên quan đến AMD không góp phần củng cố an ninh và ổn định ở khu vực.

Nga hiểu rõ tất cả các vấn đề liên quan đến việc xây dựng AMD để từ đó mới có thể tạo điều kiện nhằm tiếp tục cải thiện mối quan hệ song phương.

Đại tướng Makarov cho rằng, giữa Nga và NATO có cùng quan điểm về nhiều vấn đề, song vẫn còn tồn tại một số bất đồng cần được giải quyết thông qua đàm phán:

Về phần mình, Đô đốc James khẳng định, ông sẽ chuyển những luận điểm trên của Nga tới lãnh đạo cấp cao NATO: "Bất cứ khi nào NATO và Nga hợp tác về mặt quân sự, đồng nghĩa với việc hai bên đã củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược và tăng cường khả năng của mình để giải quyết nhiều thách thức trong một thế giới phức tạp".

Các nhà phân tích lo ngại, trong khi đàm phán giữa Nga và NATO đang "dẫm chân tại chỗ", việc Mỹ đặt Nga vào tình thế "chuyện đã rồi" trong vấn đề lá chắn tên lửa gây bất đồng sâu sắc trong quan hệ hai nước./.