Các biện pháp trừng phạt được áp dụng theo luật CAATSA của Mỹ. Nằm trong danh sách trừng phạt đồng nghĩa với việc đóng băng tài sản ở Mỹ và cấm công dân Mỹ có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào với những người có trong danh sách.

Ngoài tàu Fortuna và chủ sở hữu của nó là công ty KBT-Rus, các nhà chức trách Mỹ còn áp đặt các hạn chế đối với các cá nhân và pháp nhân, cũng như các tàu, mà Washington tin rằng, đang cố gắng giải quyết các biện pháp hạn chế mà phía Mỹ áp đặt trước đây đối với lĩnh vực dầu mỏ của Venezuela. Trong số này bao gồm công ty Rustanker có trụ sở tại Nga, tàu chở dầu Sierra và tàu chở dầu Maxim Gorky. Các tàu này, theo Bộ Tài chính Mỹ, ra khơi dưới cờ Nga.

Bình luận về các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov nhấn mạnh, Moscow lấy làm tiếc về những hạn chế, nhưng sẽ tiếp tục xây dựng đường ống dẫn khí đốt.

Trước đó, Giám đốc bộ phận tập đoàn của hãng Fitch Dmitry Marinchenko đã bày tỏ quan điểm rằng, các biện pháp trừng phạt đối với tàu Fortuna đang hoàn thành việc xây dựng đường ống dẫn khí thuộc dự án Dòng chảy Phương bắc-2 dọc theo đáy biển Baltic, sẽ khó có thể dừng dự án, nhưng gây thêm khó khăn.

Tàu Fortuna đã được neo đậu tại cảng Rostock của Đức kể từ ngày 15 tháng 1. Trước đó, Cục Hàng hải Đan Mạch thông báo rằng, tàu đặt ống Fortuna, tàu tiếp liệu Baltic Research và tàu Murman sẽ đặt đường ống dẫn khí đốt trong vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch bắt đầu từ ngày 15/1.

Vào tháng 12 năm 2020, nhà điều hành dự án Dòng chảy Phương bắc-2 tiếp tục đặt đường ống, xây dựng 2,6 km đường ống trong vùng đặc quyền kinh tế của Đức bằng tàu Fortuna. Đến nay, đường ống dẫn khí đã hoàn thành 94%.

Tập đoàn Gazprom của Nga tin tưởng vào việc vận hành dự án trong một khung thời gian hợp lý. Đây vẫn là một trong những dự án đầu tư ưu tiên của Tập đoàn trong năm 2021.

Trước đó, do ngân sách quốc phòng của Mỹ được thông qua vào cuối năm 2019, bao gồm các biện pháp trừng phạt đối với các công ty tham gia dự án, việc xây dựng đã bị ngừng: công ty Allseas của Thụy Sĩ, tham gia đặt ống, ngay lập tức ngừng hoạt động. Tuy nhiên, vào tháng 12/2020, dự án đã có thể tiếp tục đặt đường ống trong vùng đặc quyền kinh tế của Đức bằng tàu Fortuna của Nga.

Tiếp đó, ngày 01/01/2021, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu ủng hộ ngân sách quốc phòng năm 2021, quy định việc mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Dòng chảy Phương bắc-2. Các biện pháp áp dụng cho các tổ chức đã cung cấp dịch vụ thử nghiệm, kiểm tra hoặc chứng nhận. Vì lý do này, công ty Na Uy DNV GL và công ty tư vấn Rambøll của Đan Mạch đã tuyên bố rút khỏi dự án.

“Dòng chảy Phương bắc-2” chạy dọc theo đáy biển Baltic từ Nga đến Đức và sẽ đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu. Dự án này bị các nước Baltic, Ba Lan và Ukraine phản đối, vì sợ mất quá cảnh khí đốt của Nga, cũng như Mỹ đang thúc đẩy bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng của mình cho EU./.