Ngày 16/1 là tròn 1 năm ông Mikhail Mishustin nhậm chức Thủ tướng Nga. Việc trở thành người đứng đầu chính phủ gắn liền với kỳ vọng giải quyết các nhiệm vụ cụ thể và đầy tham vọng liên quan đến sự phát triển của nền kinh tế và lĩnh vực xã hội, trước hết là hỗ trợ người Nga, đẩy nhanh các dự án quốc gia và khởi động một chu kỳ đầu tư mới. Tuy nhiên, ngay trong năm đầu tiên trên cương vị mới, bên cạnh giải quyết các nhiệm vụ truyền thống của chính phủ, ông Mishustin đã phải đối mặt với thử thách vô cùng khó khăn – cuộc chiến với đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã đạt được những thành công nhất định, đặc biệt là các cuộc cải cách quy mô lớn.

Bất ngờ thành lập chính phủ mới

Việc bổ nhiệm ông Mishustin người đứng đầu Cơ quan Thuế liên bang tháng 1/2020 là sự bất ngờ với phần lớn người dân Nga bởi trước đó, Thủ tướng Dmitry Medvedev với nhiều năm kinh nghiệm ở vị trí này đã đệ đơn từ chức. Quyết định này được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc Thông điệp Liên bang, trong đó đặt ra những ưu tiên phát triển đất nước trong những năm tới và đề xuất sửa đổi Hiến pháp Liên bang Nga. Sau khi tuyên bố từ chức, Thủ tướng Medvedev nhấn mạnh rằng, nội các cần cung cấp cho nguyên thủ quốc gia "cơ hội để đưa ra tất cả các quyết định cần thiết trong những điều kiện này”.

Ông Mishutin được đích thân Tổng thống Nga đề cử vào vị trí người đứng đầu nội các và được Duma quốc gia thông qua ngày 16/1. Ngay sau đó, cùng ngày, Tổng thống Putin ký sắc lệnh bổ nhiệm ông Mikhail Mishutin làm Thủ tướng Nga.

Chính phủ mới được thành lập có nhiều thay đổi với thành phần trước đây, trong đó thay thế tất cả các bộ trưởng ở khối xã hội, đổi mới một phần lãnh đạo khối kinh tế và tài chính, trong khi giữ lại người đứng đầu các cơ quan sức mạnh. Đến tháng 11/2020, nội các tiếp tục tiến hành luân chuyển nhân sự. Người đứng đầu của 5 bộ, gồm Bộ Năng lượng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng và nhà ở, Bộ Tài nguyên, Bộ Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực được thay thế. Bộ Năng lượng Alexander Novak được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng thứ 10 của Nội các.

Ngoài ra, một cuộc cải cách hành chính đã được khởi động ở Nga, vốn đã nhiều lần bị hoãn lại trước đó. Được khởi động từ cuối năm 2020, việc tối ưu hóa bộ máy hành chính nhà nước bắt đầu từ 1/1/2021. Tổng cộng 32.000 vị trí sẽ bị cắt giảm, chủ yếu do các vị trí trống ở bộ phận hỗ trợ.

Cuộc chiến với đại dịch Covid-19

Đặt mục tiêu giải quyết các nhiệm vụ về phát triển nền kinh tế và xã hội, tại cuộc họp đầu tiên vào tháng 1/2020, Thủ tướng Mishustin đã thông báo việc cần phải bắt đầu thực hiện các nhiệm vụ về tăng trưởng nhân khẩu học, chăm sóc sức khỏe và phúc lợi xã hội, đồng thời cũng vạch ra các nhiệm vụ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, sau đó, chính phủ phải điều chỉnh các kế hoạch này do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cuộc chiến với đại dịch đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên trong suốt năm 2020 và cả ở thời điểm hiện tại.

Khi bắt đầu đại dịch, Chính phủ quyết định đóng cửa biên giới với các quốc gia khác. Các biện pháp chưa từng có đã được thực hiện cả trong lĩnh vực xã hội và kinh tế. Để ổn định tình hình kinh tế, chính phủ đã áp dụng một loạt các biện pháp để hỗ trợ các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tổng số tiền hỗ trợ cho doanh nghiệp vào năm 2020 là khoảng 2.500 tỷ rúp. Hỗ trợ xã hội cho người dân, trước hết là các gia đình có trẻ em được hỗ trợ đặc biệt. Ngoài ra, số tiền trợ cấp thất nghiệp được tăng lên và thời gian nhận trợ cấp được kéo dài... Tổng cộng, hơn 1.000 tỷ rúp đã được phân bổ để thực hiện các biện pháp như vậy.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các mục tiêu chiến lược quốc gia mà ông Mishustin coi là trọng tâm trong hành động của chính phủ được tính toán đến năm 2024 đã kéo dài khung thời gian để thực hiện đến năm 2030.

Đẩy mạnh chuyển đổi kỹ thuật số

Chính sách của chính phủ mới là quá trình chuyển đổi nhanh chóng sang kỹ thuật số, tích cực sử dụng các phát triển tiên tiến, bao gồm cả các thuật toán trí tuệ nhân tạo. Nhiều dịch vụ công đã được cung cấp trên nền tảng số. Hiệu quả được đánh giá thông qua mức độ hài lòng của người dân đối với chất lượng dịch vụ công, giảm chi phí quản lý công, giảm vướng mắc của doanh nghiệp khi tương tác với chính quyền.

Nhà chính trị học Konstantin Kalachev gọi số hóa là một trong những thành tựu chính của chính phủ ông Mishustin. Trong tương lai, Thủ tướng Mishustin sẽ tiếp tục ưu tiên nâng cao hiệu quả và chất lượng của nền hành chính công thông qua số hóa và tối ưu hóa.

Cùng với những điểm nhấn trong cải cách các Viện phát triển, điều hành giá lương thực, cũng như chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp… hoạt động của chính phủ Nga đã đạt được thành công nhất định trong năm 2020. Có thể được coi là năm khởi đầu của giai đoạn đại cải cách, trọng tâm là cuộc cách mạng chuyển đổi số và tham gia vào một chính sách tích cực ở địa phương.

Tuy vậy, phía trước sẽ tiếp tục là một năm khó khăn với cả thế giới và nước Nga khi dịch Covid-19 được dự báo vẫn còn phức tạp. Với việc thành công trong đương đầu với các thách thức trong năm qua, giới phân tích chính trị bày tỏ tin tưởng vào sự dẫn dắt chính phủ của Thủ tướng Mishustin trong việc phục hồi tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng thu nhập cho người dân, mang đến thành tựu trong lĩnh vực y tế nói chung, cũng như đẩy lùi được đại dịch Covid-19 nói riêng./.