Với chủ đề “Đầu tư cho thế hệ tương lai”, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Phi vừa diễn ra tại Washington ngày 5/8 đã cam kết hơn 30 tỷ USD nhằm thúc đẩy hợp tác giữa 2 bên, trong đó có gần một nửa là số tiền Mỹ dự định đầu tư vào các lĩnh vực xây dựng, năng lượng sạch, ngân hàng và công nghệ thông tin ở châu Phi. 

images511713_8_buqm_kxfc.jpgTổng thống Mỹ Barack Obama sẽ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi (Ảnh: AFP)

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Phi lần đầu tiên trong lịch sử này có thể coi là một bước ngoặt của Mỹ tại châu Phi nhằm chứng minh rằng, dù đang “chậm chân” so với Trung Quốc, nhưng Mỹ sẽ có một chiến lược hấp dẫn và bền vững hơn để giành lại ngôi đối tác hàng đầu ở khu vực này.

Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Phi ngày 7/6, Tổng thống Barack Obama đã công bố khoản đầu tư 14 tỷ USD của các công ty Mỹ vào châu Phi. Ông Obama cho biết, các công ty của Mỹ muốn chớp lấy thời cơ hiện nay ở châu Phi, nơi có đến 6 trong số 10 nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.

Tổng thống Obama nhấn mạnh: “Châu Phi cần vốn và trong một số trường hợp châu Phi cần hỗ trợ về mặt kỹ thuật cũng như tiếp cận thị trường. Nhưng có lẽ điều lớn nhất mà châu Phi sẽ phải cần đó là giải phóng nhiều hơn nữa những tiềm năng sẵn có để thúc đẩy tăng trưởng theo luật pháp và quy định”.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thì khẳng định, cuộc gặp thượng đỉnh chưa từng có này phản ánh quyết tâm của Mỹ và châu Phi tăng cường các quan hệ đối tác, tìm kiếm cơ hội cho thương mại, hòa bình, an ninh và phát triển kinh tế. Ông Kerry kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Phi phát triển các nền kinh tế thị trường tự do, tạo ra sân chơi bình đẳng cho các công ty nước ngoài, trong đó có các công ty của Mỹ.

Ngoại trưởng Kerry nói: “Điều mà chúng ta rút ra ở đây là nơi nào con người được tự do, được làm việc, được biến những ý tưởng tốt đẹp nhất trở thành tương lai thì xã hội đó chắc chắn sẽ thành công và ổn định”.

Ông Kerry nhấn mạnh: “Đó không phải là một bí mật và không phải là điều khó thực hiện nếu châu Phi đưa ra sự lựa chọn đúng đắn và đó cũng là con đường để châu Phi không còn bị gắn với hình ảnh của những cuộc xung đột nữa mà là một châu Phi được nhìn nhận bởi năng lực, phẩm giá, sự tôn trọng và cơ hội”.

Tại Hội nghị kéo dài ba ngày này, các nhà lãnh đạo châu Phi đã thúc giục Mỹ gia hạn Đạo luật tăng trưởng và cơ hội ở châu Phi (AGOA) nhằm cho phép hàng hóa xuất khẩu của các nước châu Phi được miễn thuế nhập khẩu khi vào thị trường Mỹ. Sau 15 năm thực thi, đạo luật này theo kế hoạch sẽ đáo hạn vào tháng 9 năm sau. Các nhà lãnh đạo châu Phi tin tưởng việc gia hạn đạo luật sẽ giúp làm vững chắc quan hệ thương mại cũng như thúc đẩy phát triển trong khu vực.

Ngay trước Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Phi lần này, chính quyền của ông Obama cũng đã hối thúc Quốc hội gia hạn Đạo luật tăng trưởng và cơ hội tăng ở châu Phi nhằm tạo điều kiện cho Chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ đẩy mạnh hơn nữa hợp tác thương mại với châu Phi, đồng thời cho phép hầu hết các nước châu Phi tiếp cận ưu đãi thị trường Mỹ.

Đại diện thương mại Mỹ Michael Froman cho biết: “Kể từ khi có hiệu lực năm 2000, Đạo luật tăng trưởng và cơ hội ở châu Phi đã là nền tảng của chính sách thương mại Mỹ đối với vùng cận Sahara và nó đã mang lại lợi ích cho cả 2 bên. Tôi hy vọng và tin tưởng rằng, Quốc hội sẽ thúc đẩy việc sớm gia hạn đạo luật này bởi đây là 1 trong những lĩnh vực mà họ có thể đồng thuận”.

Không có ảnh hưởng và liên kết về mặt lịch sử như Pháp, 5 năm trước, Mỹ đã để tuột mất vị trí đối tác thương mại hàng đầu của châu Phi vào tay Trung Quốc. Kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Mỹ và châu Phi giảm sút trong những năm gần đây và chỉ đạt khoảng 60 tỷ USD trong năm ngoái trong khi thương mại giữa châu Phi với Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc lần lượt đạt 200 tỷ USD và 170 tỷ USD. Nhưng thay vì quan tâm đến khai thác tài nguyên của châu Phi như đối thủ Trung Quốc, Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes khẳng định, Washington sẽ chú trọng tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư song phương để thúc đẩy sức mạnh kinh tế của châu Phi.

Đến năm 2040, châu Phi sẽ có lực lượng lao động lớn hơn của Trung Quốc hoặc Ấn Độ và có tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất thế giới, biến châu lục này trở thành một “cỗ máy cung – cầu” khổng lồ.

Ngân hàng thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Phi sẽ vượt mức 5% trong 2 năm tới. Tuy nhiên, vẫn sẽ có khoảng 1/3 trong số 600 triệu dân ở châu Phi cần có điện. Chính vì thế, tập đoàn Dangote cùng với Tập đoàn Blackstone Group của Mỹ đã nhanh chân đầu tư 5 tỷ USD vào các dự án năng lượng ở khu vực cận sa mạc Sahara.

Nhìn vào danh mục đầu tư mà Mỹ công bố tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng, tài chính, chuỗi cung ứng và an ninh năng lượng, có thể thấy các nhà đầu tư từ Washington đang muốn sớm làm chủ trên những sân chơi còn bỏ ngỏ ở châu Phi.

Tuy nhiên, dư luận tại một số nước châu Phi cũng không hoàn toàn lạc quan vì cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh phần lớn mang ý nghĩa “tượng trưng”. Sau một thời gian xao nhãng, khoảng cách giữa Mỹ với các đối thủ trong cuộc đua trên “lục địa đen” đã khá xa. Lấy lại ảnh hưởng ở châu lục này không phải là điều dễ dàng với Mỹ./.