Iran vừa thẳng thừng bác bỏ các cuộc đàm phán với Mỹ với lý do đưa ra là Washington không còn đáng tin cậy sau khi vi phạm các cam kết trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân lịch sử đã ký năm 2015. Chưa kể, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây còn lớn tiếng cảnh báo Iran phải thay đổi hành động hoặc đối mặt với sự cô lập kinh tế. 

khamenei_cbc_xgix.jpg
Lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei. Ảnh: CBC

Lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei vừa hối thúc chính phủ nước này cần phải tăng cường cải thiện nền kinh tế trong bối cảnh dưới sức ép từ các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ khiến tình hình kinh tế - tài chính của quốc gia Hồi giáo này không khỏi lao đao.

Mặc dù tuyên bố không đàm phán nhưng lãnh tụ tối cao Khamenei vẫn khẳng định sẽ không gây chiến với Mỹ: “Tóm lại, tôi phải nói với đất nước Iran hai điều: sẽ không có chiến tranh nhưng chúng ta sẽ không bao giờ đàm phán. Sẽ không có chiến tranh – vì sao? Bởi vì chiến tranh bao giờ cũng có hai bên:chúng ta một bên và họ môt bên. Chúng ta tự hào rằng Cộng hòa Hồi giáo Iran chưa bao giờ bắt đầu một cuộc xung đột. Vì vậy một khi chiến tranh xảy ra sẽ luôn là bên kia bắt đầu trước. Chúng ta sẽ phản ứng cứng rắn nếu một cuộc chiến được phát động nhằm vào chúng ta, nhưng một điều chắc chắn là chúng ta sẽ không bao giờ là bên khơi mào chiến tranh”.

Mặc dù nhận thức rõ những tác hại từ các lệnh trừng phạt của Mỹ, nhưng lãnh tụ tối cao Khamenei dường như cũng không ngần ngại nhìn thẳng vào sự thật khi cho rằng những khó khăn kinh tế hiện tại của Iran chủ yếu là hậu quả gây ra từ các yếu tố bên trong đất nước Iran. Mối lo ngại về thách thức kinh tế đang làm dấy lên làn sóng biểu tình rầm rộ trên khắp đất nước Iran để phản đối sự xuống dốc của đồng rial, sự tăng giá hàng hóa và tình trạng tham nhũng.

Trước tình thế cấp bách này, Lãnh tụ tối cao Khamenei cũng đã yêu cầu chính phủ phải nhanh chóng tìm lối thoát cho nền kinh tế vốn đang đương đầu với khó khăn chồng chất. Ông Khamenei đồng thời đưa ra nhận định, thông qua việc hoạch định và quản lý tốt nền kinh tế, Iran có thể chống lại các lệnh trừng phạt và vượt qua chúng.    

Rõ ràng thái độ kiên quyết không đối thoại với Mỹ một lần nữa thể hiện sự thất vọng của Tehran trước việc Washington đã không giữ đúng lời hứa khi quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử, đồng thời nối lại các lệnh cấm vận mà Iran gọi là “chủ nghĩa đơn phương của Mỹ”. Trước khi Mỹ tuyên bố các trừng phạt mới nhằm vào quốc gia Hồi giáo này, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng từng từ chối đề nghị của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho cuộc gặp gỡ mà không cần bất kỳ điều kiện nào.

Nhận định khả năng đàm phán giữa Iran và Mỹ ở giai đoạn này là gần như bằng không, giới chuyên gia cũng vừa cảnh báo, động thái khôi phục các biện pháp cấm vận chống Iran vốn được xem là một trong những bước đi sai lầm lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ, có thể dẫn tới tình trạng đối đầu nghiêm trọng trong khu vực./.