Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 12/8 xác nhận đã bắt đầu triển khai các sứ mệnh chống nhóm Nhà nước Hồi giáo bằng máy bay có người lái từ căn cứ Không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cho biết, sứ mệnh được tiến hành sau khi nước này được Thổ Nhĩ Kỳ bật đèn xanh. Tuy nhiên, không có máy bay chiến đấu nào của Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chiến dịch này.
Một chiếc F-16 Fighting Falcon của Mỹ cất cánh từ căn cứ không quân Incirlik, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: US Air Force/AP |
Việc được sử dụng căn cứ Incirlik để xuất phát tấn công tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria sẽ là một lợi thế to lớn cho Mỹ. Bởi Incirlik nằm gần thành phố Adana của Thổ Nhĩ Kỳ, cách địa bàn của nhóm Nhà nước Hồi giáo tại Syria chỉ hơn 400 km.
Trước đây liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu chỉ được phép sử dụng căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ để điều động các máy bay không người lái tới Syria, trong khi các máy bay chiến đấu thường phải cất cánh từ các tàu sân bay hay các căn cứ quân sự khác tại khu vực.
Căn cứ không quân này là nơi đóng quân của khoảng 1.500 binh sĩ Mỹ để thực hiện nhiệm vụ hậu cần cho các chiến dịch ở Iraq và Afghanistan.
Là thành viên của Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), song Thổ Nhĩ Kỳ tới nay vẫn từ chối tham gia các chiến dịch của liên quân quốc tế chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) do lo ngại sẽ củng cố sức mạnh cho các nhóm phiến quân người Kurd tại Syria đang chiến đấu chống lại nhóm cực đoan tại khu vực gần biên giới.
Tuy nhiên vụ tấn công hôm 20/7 tại Suruc, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, làm 32 người chết, mà nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng bị xem là thủ phạm đã thay đổi mọi chuyện, buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải đưa ra một bước ngoặt chiến lược khi lần đầu tiên chứng kiến sự mở rộng các cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sang các mục tiêu tại Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cũng đang hợp tác soạn thảo các kế hoạch nhằm cung cấp sự yểm trợ trên không cho lực lượng nổi dậy Syria và truy quét nhóm Nhà nước Hồi giáo tại khu vực dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo các nhà phân tích, việc Mỹ sử dụng căn cứ không quân Incirlik mang mục tiêu kép, không chỉ nhằm tạo thuận lợi cho cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo, mà còn có thể làm thay đổi cán cân sức mạnh trong cuộc nội chiến tại Syria, bởi lâu nay Mỹ vẫn được xem là hậu thuẫn cho lực lượng đối lập tại nước này. Hiện đã có một số thông tin đồn đoán cho rằng, bước tiếp theo, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ hướng tới việc thiết lập một vùng cấm bay tại Syria.
Tuy nhiên, tới nay, Mỹ vẫn bác bỏ khả năng này và khẳng định không muốn bị lôi kéo vào cuộc nội chiến tại Syria. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói: “Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý cho phép Mỹ mở rộng quyền tiếp cận với các cơ sở quân sự của nước này nhằm tăng cường các chiến dịch không kích chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Chúng tôi cũng đã nói rõ ràng là sẽ không có thỏa thuận nào về một khu vực như vậy. Chúng tôi không thảo luận vấn đề đó mà chỉ bàn tới một nỗ lực cụ thể nhằm đánh bật nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) khỏi miền Bắc Syria".
Theo Chính phủ Mỹ, việc tấn công trực diện vào nhóm Nhà nước Hồi giáo là cách tốt nhất để chấm dứt khủng hoảng về người tị nạn và xung đột trong khu vực. Vùng cấm bay hoặc vùng an toàn không phải giải pháp tốt nhất. Những thỏa thuận vừa đạt được về việc Thổ Nhĩ Kỳ cho mượn căn cứ không quân Incirlik sẽ giúp rút ngắn khoảng cách và có khả năng thực hiện các chiến dịch trên không mà Tổng thống Barack Obama từng nói là "làm suy giảm và tiêu diệt" nhóm Nhà nước Hồi giáo hiệu quả hơn./.