Ông Biden nói rằng, Mỹ sẽ thực hiện đúng các quy định của Hiệp ước an ninh mà Mỹ đã ký với Nhật Bản trong đó nêu rõ, Mỹ sẽ bảo vệ những quần đảo mà Nhật Bản đang nắm quyền kiểm soát. Tuy nhiên, Mỹ cũng rất ngần ngại nếu bị kéo vào một cuộc đụng độ quân sự giữa hai nước trong khu vực Đông Á này.

Ngày 3/12, Phó Tổng thống Biden sẽ gặp Thủ tướng Shinzo Abe trước khi đến Trung Quốc ngày 4/12 nhằm tìm kiếm các biện pháp xoa dịu căng thẳng cũng như ủng hộ đồng minh Nhật Bản.

biden_copy.jpg
Phó Tổng thống Biden (giữa) và Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Caroline Kennedy gặp bà Tomoko Namba, người sáng lập công ty cung cấp dịch vụ thương mại và trò chơi điện tử DeNA tại Tokyo (Ảnh Reuters)

“Chúng tôi vẫn rất lo lắng về tuyên bố thiết lập Khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) mới của Trung Quốc. Diễn biến mới nhất này cho thấy sự cần thiết phải đạt được một thỏa thuận giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong việc thực hiện các biện pháp quản lý rủi ro và xây dựng lòng tin để giảm nhẹ căng thẳng giữa 2 nước”, ông Biden viết trả lời nhật báo Asahi của Nhật Bản.

Tuy nhiên, tờ Global Times của Trung Quốc lại cho rằng, ông Biden không nên thể hiện quan điểm ủng hộ rõ rệt với Thủ tướng Abe và đồng minh Nhật Bản.

“Nếu ông Biden muốn có một chuyến công du thành công đến Trung Quốc thì lựa chọn duy nhất của ông ấy là cần phải cẩn trọng trong những phát ngôn của mình. Nếu ông Biden một mặt ủng hộ ra mặt Tokyo, mặt kia lại muốn trừng phạt Bắc Kinh thì người dân Trung Quốc sẽ không đời nào chào đón ông”, tờ Global Times nêu rõ.

Trong khi đó, Nhật Bản ngày 3/12 tuyên bố rằng Tokyo và Washington đều phản đối việc Trung Quốc thành lập khu ADIZ bất chấp việc các hãng hàng không của Mỹ đã được chính quyền nước này yêu cầu cung cấp kế hoạch các chuyến bay cho phía Trung Quốc.

Cuối tuần trước, Washington nói rằng lời yêu cầu của chính phủ Mỹ đến các hãng hàng không nước này không có nghĩa rằng nước này công nhận khu vực ADIZ của Trung Quốc. Mỹ đã thể hiện rõ thông điệp này thông qua việc điều 2 máy bay B-52 vào khu vực này mà không hề thông báo với Trung Quốc.

Chính quyền Nhật Bản cũng đã khuyến cáo các hãng hàng không nước này không cung cấp kế hoạch các chuyến bay cho phía Trung Quốc.

“Nhật Bản và Mỹ có chung một lập trường là không công nhận ADIZ của Trung Quốc”, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố tại một cuộc họp báo.

Trong một cuộc họp báo gần đây, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney nhấn mạnh vì lý do an toàn, các hãng hàng không của Mỹ cần phải tuân thủ những yêu cầu do các nước khác đưa ra khi bay qua không phận của những nước này.

“Tuy nhiên, tôi muốn nói rõ rằng, điều này không hề thể hiện rằng chính quyền Mỹ chấp nhận những yêu cầu do phía Trung Quốc đặt ra khi nước này thiết lập khu vực ADIZ. Điều này cũng không hề làm thay đổi quan điểm trước sau như một của Mỹ rằng chúng tôi không công nhận tính pháp lý của khu vực ADIZ của Trung Quốc”, bà Carney khẳng định.

Mỹ không ủng hộ nước nào trong vụ tranh chấp chủ quyền quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Tuy nhiên, nước này công nhận quyền kiểm soát quần đảo của Nhật Bản và tuyên bố rằng các quy định trong hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật sẽ được áp dụng trong trường hợp này.

Tuần trước, các máy bay quân sự của cả Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều đã xâm nhập khu vực ADIZ do Trung Quốc thiết lập mà không hề thông báo trước cho nước này.

Phó Tổng thống Biden đã gạt bỏ mọi hoài nghi về việc liệu Mỹ còn có đủ nguồn lực để thực hiện một “sự cân bằng chiến lược” mà nước này coi là nền tảng trong chính sách hướng Đông của mình trong bối cảnh ngân sách Mỹ đang gặp nhiều khó khăn.

Nhiều chuyên gia cho rằng những nghi ngờ này có thể là nguyên nhân khiến Trung Quốc cho rằng Mỹ sẽ không thể phản ứng mạnh mẽ với việc Trung Quốc thành lập khu vực ADIZ.

“Nhật Bản biết rằng chúng tôi đã hiện diện tại nước này gần 60 năm nay và đảm bảo an ninh để nước này có sự phát triển thần kỳ về kinh tế trong khu vực. Tính cả về kinh tế, ngoại giao và quân sự, chúng tôi đã từng, vẫn đang và sẽ vẫn là một thế lực lớn tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương”, ông Biden khẳng định./.