Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định đây là một “dự án tồi tệ” và sẽ hợp tác chặt chẽ với các đồng minh để củng cố an ninh năng lượng của châu Âu.
Trước đó một ngày (2/2), chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu Đức - quốc gia chủ chốt thúc đẩy dự án phải đưa ra một “gói giải pháp” giải quyết "những vấn đề quan ngại của Washington" về tác động của tuyến đường ống trên đối với an ninh tại khu vực Trung Âu. Trước đó, Mỹ và một số nước châu Âu như Ba Lan đã nhiều lần bày tỏ lo ngại rằng dự án sẽ khiến Liên minh châu Âu (EU) ngày càng phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga.
Đến nay, chính quyền Đức vẫn chưa đưa ra phản ứng đối với vấn đề này. Song, phát biểu tại cuộc họp báo trước đó hôm 1/2, Phó phát ngôn Chính phủ Đức Marina Fietz nhấn mạnh, chính phủ nước này sẽ không thay đổi những lập trường cơ bản đối với dự án đường ống này.
Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” ban đầu dự kiến sẽ được đưa vào vận hành đầu năm 2020, tăng gấp đôi công suất vận chuyển khí đốt của Nga so với Dòng chảy phương Bắc 1 và đảm bảo nguồn cung cấp cho các nước Tây Âu thông qua biển Baltic. Tuy nhiên, việc lắp đặt dự án bị ngưng trệ do Mỹ đã gia tăng sức ép với các bên liên quan và áp đặt lệnh trừng phạt./.